Đồng Đi Cùng Đức Chúa Trời

Ý tưởng đồng đi với Đức Chúa Trời có thể nổi tiếng gắn liền với Hê-nóc (Sáng Thế Ký 5:24). Một nhân vật Cựu Ước được tin rằng không nếm sự chết nhưng được cất lên đến Đức Chúa Trời khi còn sống. Có lẽ trường hợp của ông và một số nhân vật tương tự là ngoại lệ cho sự thật rằng, “theo như đã định cho loài người phải chết một lần…” (Hê-bơ-rơ 9:27). Câu hỏi là làm thể nào ông đã được ơn phước lớn dường ấy? Liệu câu chuyện của ông để lại ấn tượng và tấm gương gì cho tín đồ Đấng Christ ngày nay?

Bài viết từ: Ấn Phẩm Đồng Đi Cùng Đức Chúa Trời Số 01 | 01-2023

Mối Quan Hệ

Việc Hê-nóc đồng đi cùng Đức Chúa Trời là một cách nói mô tả đơn giản nhưng lại chứa đựng sự sâu sắc về hành động bước đi của ông. Hiển nhiên tác giả sách Sáng Thế Ký (Môi-se) không đơn thuần chỉ mô tả hành động đi. Trong mạch văn về gia phả của A-đam, đều mô tả sống bao lâu, con cái, và chết. Dầu vậy Hê-nóc lại khác biệt với các nhân vật còn lại trong gia phả của mình. Ông không chết! Vì sao?

Lời giải thích đơn giản nhất là sự so sánh đời sống của Hê-nóc với các nhân vật trong mạch văn còn lại là ông đồng đi cùng Đức Chúa Trời. Hành động đồng đi này được nhắc đến hai lần (Sáng Thế Ký 5: 22,24). Điều này cho thấy lý do vì sao Hê-nóc không kết thúc sự sống của mình như bao nhiêu người khác, nhưng trong Đức Chúa Trời. Vì Đức Chúa Trời đã cất ông đi, chứ không phải sự chết cất ông đi. Điều này cho thấy trong mối quan hệ với Đức Chúa Trời, một người đầu tiên tìm thấy sự sống trong việc đồng đi với Đức Chúa Trời. Khi bao nhiêu người khác phải nhận sự rủa sả của tội lỗi là sự chết.

Trong cùng một sách tác giả cho chúng ta thấy thuật ngữ đồng đi cùng Đức Chúa Trời là hình ảnh sâu sắc của một mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Nó thể hiện qua sự trung tín, vâng lời, và yêu mến Đức Chúa Trời. Hê-nóc không là nhân vật duy nhất đồng đi cùng Đức Chúa Trời mà còn có: Nô-ê (Sáng Thế Ký 6:9), Áp-ra-ham và Y-sác bước đi trước mặt Đức Chúa Trời (Sáng Thế Ký 24:40; 48:15).

Do đó, đồng đi cùng Đức Chúa Trời là hình ảnh của một mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời thông qua cuộc đời của Hê-nóc, Nô-ê, Áp-ra-ham và Y-sác. Một cuộc đời chọn trở nên khác biệt với thế gian khi đồng đi cùng Đức Chúa Trời hằng sống.

Con Đường Đến Sự Sống

Trong tình tiết ngắn ngủi này, tác giả khám phá ra một sự thật cơ bản: Cái chết không phải là lời nói cuối cùng. Khi đối mặt với cái chết, giống như Hê-nóc, một người có thể tìm thấy sự sống bằng cách “đồng đi với Đức Chúa Trời”. Khi tập trung vào số phận (và đức tin) của Hê-nóc, tác giả đã tìm thấy một cánh cửa dẫn trở lại cây sự sống (Sáng Thế Ký 3:24). Cánh cửa là đức tin và sự vâng lời, hay, như được minh họa sau này trong cuộc đời của Áp Ra Ham, là tin cậy và vâng lời. Đối với Hê-nóc, cánh cửa mở ra vì ông “đồng đi với Đức Chúa Trời”. Do đó Hê-nóc là tấm gương cho tất cả những ai tìm kiếm sự sống. Với Áp-ra-ham, ý nghĩa cũng rõ ràng: Đức Chúa Trời phán: “ngươi hãy đi ở trước mặt ta làm một người trọn vẹn. Ta sẽ lập giao ước cùng ngươi, làm cho dòng dõi ngươi thêm nhiều quá-bội” (Sáng Thế Ký 17:1–2).

Nếu sự tương phản rõ rệt giữa người chết và sống trong Sáng Thế Ký 5 là đồng đi cùng Đức Chúa Trời. Thì sự tương phản này lại xuất hiện trong cuộc đời của Nô-ê dựa trên cùng một nguyên lý. Dòng dõi gian tà và bại hoại phải bị tuyệt diệt bởi nước lụt, nhưng vì Nô-ê đồng đi cùng Đức Chúa Trời mà gia đình ông được “sống” hay cứu bởi nước (1 Phi-e-rơ 3:19). Thật đồng đi cùng Đức Chúa Trời là con đường của sự sống.

Con Đường Của Phước Hạnh

Tác giả cũng dùng cùng một thuật ngữ đồng đi cho Áp-ra-ham và Y-sác (Sáng Thế Ký 24:40; 48:15). Điều này cho thấy ý tưởng thần học nhất quán về những người có mối quan hệ với Đức Chúa Trời sẽ được phước như thế nào. Nếu Hê-nóc là tránh khỏi sự chết, Nô-ê khỏi sự “chết” chung với thế gian bại hoại, thì Áp-ra-ham đồng đi cùng Đức Chúa Trời đem đến một nguồn phước hạnh từ Đức Chúa Trời cho cả thể gian.

Kinh thánh cũng biết trước rằng Đức Chúa Trời sẽ xưng dân ngoại là công bình bởi đức tin, nên đã rao truyền trước cho Áp-ra-ham tin lành nầy: Các dân sẽ nhờ ngươi mà được phước. Ga-la-ti 3:8.

Qua đó chúng ta nhận thấy rằng đồng đi cùng Đức Chúa Trời không chỉ mang đến nguồn phước hạnh cho bản thân mình, mà còn cho những người xung quanh mình.

Bạn Có Muốn Được Phước?

Trải qua các thế hệ, những người chọn đồng đi cùng Đức Chúa Trời đều trở nên khác biệt và được phước. Chúng ta có thể đứng từ xa nhìn họ “bước đi,” hay có thể “cùng” bước đi với họ trước mặt Đức Chúa Trời.

Nếu không có một lối sống nào đẹp ý Đức Chúa Trời khác hơn là đồng đi cùng Đức Chúa Trời. Liệu bạn có muốn đồng đi? Hãy nhớ, nó là con đường của sự sống và phước hạnh khi được đồng hành cùng Đức Chúa Trời. Còn ai khác hơn Đức Chúa Trời mà bạn muốn bước đi chung đường? Nếu có ai khác hơn Đức Chúa Trời đồng đi cùng bạn, thì kết quả hay điểm đến của sự đồng hành đó sẽ như thế nào?

Tác Giả: Trần Hồng Ân

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top
Dàn Bài