Mọi thứ chúng ta làm là bằng cớ cho điều chúng ta trông đợi hay hy vọng và đức tin là sự đảm bảo chắc chắn cho những điều hy vọng mà không thấy, bởi cớ nếu chúng ta thấy thì không còn là trông đợi và tin nữa. Kiến thức hay sự hiểu biết phải có trước đức tin, nhưng đôi lúc điều chúng ta biết và tin lại không đồng nhất.
Điều quan trọng nhất trong sự hiểu biết về sự tồn tại của Đức Chúa Trời và việc chúng ta tiếp cận hay đến gần Ngài thì phải bằng đức tin. Mặc cho chúng ta biết Ngài là Đấng hằng sống, công bình, yêu thương và thương xót thì câu hỏi vẫn còn đọng lại trong mỗi một người chúng ta – tôi có tin Đức Chúa Trời không?
Trước khi chúng ta trả lời câu hỏi đó hãy cùng nhận biết về đức tin mà Kinh Thánh bày tỏ và Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi chúng ta khi chúng ta đến gần Ngài.
Đức tin là gì?
1 Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy. (Hê-bơ-rơ 11:1)
Ðức tin là bảo đảm chắc chắn cho những gì chúng ta hy vọng và bằng chứng cho những gì không thấy được. Bản Dịch 2011
- Là sự biết chắc vững vàng hay sự đảm bảo vững vàng.
Sự đảm bảo này là nền tảng cho những điều chúng ta trông mong hay hy vọng. Không ai lại trông đợi (trông cậy, hy vọng, trông mong) điều mình đã thấy, nhưng chúng ta trông đợi điều mình không thấy. Sự trông mong này đòi hỏi sự chờ đợi cách nhịn nhục (Rôma 8:25). Nhưng đâu là nền tảng để giữ cho điều trông mong tiếp tục “sống” trong sự chờ đợi cách nhịn nhục – đức tin là sự đảm bảo cho những điều chúng ta trông đợi.
Sự trông đợi của chúng ta sẽ tồn tại một trong hai nơi và không có nơi thứ ba. Nó không thể tồn tại trung lập được hay cùng một lúc ở hai nơi. Vì cớ nó liên quan đến tấm lòng, tâm trí, sức lực và linh hồn của chúng ta cho những gì chúng ta trông cậy.
- Trong thế gian.
Chúng ta trông đợi gì nơi thế gian này? Chúng ta mong đạt được điều trong thế gian này? Bất kỳ điều gì chúng ta trông đợi điều gặt lấy sự không chắc chắn hoặc có chăng cuối cùng cũng chỉ là sự hư không.
2 Người truyền đạo nói: Hư không của sự hư không, hư không của sự hư không, thảy đều hư không. 3 Các việc lao khổ loài người làm ra dưới mặt trời, thì được ích lợi chi? 4 Ðời này qua, đời khác đến; nhưng đất cứ còn luôn luôn. 5 Mặt trời mọc, mặt trời lặn, nó lật đật trở về nơi nó mọc. (Truyền Đạo 1:2-5)
13 Hỡi anh em, là kẻ nói rằng: Hôm nay hoặc ngày mai, ta sẽ đi đến thành kia, ở đó một năm, buôn bán và phát tài, 14 song ngày mai sẽ ra thế nào, anh em chẳng biết! Vì, sự sống của anh em là chi? Chẳng qua như hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan ngay. (Gia-cơ 4:13-14)
- Trong Đức Chúa Trời.
Bất kỳ điều gì hứa cùng chúng ta điều sinh ra sự trông cậy cho chúng ta. Những gì mà chúng ta trông đợi không được tìm thấy trong lời hứa của Đức Chúa Trời thì không còn là sự trông cậy nữa nó là sự ngộ nhận hay chủ quan.
3 Chúc tụng Ðức Chúa Trời và Cha của Ðức Chúa Jesus Christ, Chúa chúng ta, Ðấng vì lòng thương xót lớn lao của Ngài đã cho chúng ta được tái sinh để có một hy vọng sống, qua sự sống lại từ cõi chết của Ðức Chúa Jesus Christ, 4 để hưởng một cơ nghiệp không thể hư mất, không ô nhơ, và không phai tàn, được để dành trên thiên đàng cho anh chị em, 5 những người nhờ đức tin được quyền năng của Ðức Chúa Trời bảo vệ, để hưởng ơn cứu rỗi sẵn sàng được biểu lộ trong thời kỳ cuối cùng. 1 Phierơ 1:3-5.
- Là bằng cớ hoặc bằng chứng…
Đức tin là bằng cớ dùng để chứng minh, bênh vực và bảo vệ cho những gì chúng ta không thấy. Đức tin là bằng chứng, cho nên đòi hỏi một sự trình bày rõ ràng chắc chắn mang tính chất thuyết phục và nằm ngoài tầm với của sự hồ nghi. Nói cách khác đức tin có thể được nhìn thấy rõ ràng để chứng thực và thuyết phục cho những điều không thấy và mong đợi.
Vậy đức tin của chúng ta phải được trình bày làm bằng chứng mang tính chất thuyết phục vượt ngoài tầm với của sự hồ nghi – nghi ngờ cho những điều chúng ta không thấy. Mọi người điều phải nhìn thấy được sự đảm bảo chắc chắn và bằng cớ chắc chắn cho điều chúng ta trông mong và không thấy.
- Có hai loại đức tin mà Kinh Thánh đề cập đến.
14 Hỡi anh em, nếu ai nói mình có đức tin, song không có việc làm, thì ích chi chăng? Đức tin đó cứu người ấy được chăng? … 17 Về đức tin, cũng một lẽ ấy; nếu đức tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết. … 19 Ngươi tin rằng chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, ngươi tin phải; ma quỉ cũng tin như vậy và run sợ. 20 Nhưng, hỡi người vô tri kia, ngươi muốn biết chắc rằng đức tin không có việc làm là vô ích chăng? 21 Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta, khi dâng con mình là Y-sác trên bàn thờ, há chẳng từng cậy việc làm được xưng công bình hay sao? 22 Thế thì, ngươi thấy đức tin đồng công với việc làm, và nhờ việc làm mà đức tin được trọn vẹn. 23 Vậy được ứng nghiệm lời Kinh thánh rằng: Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, và điều đó kể là công bình cho người; và người được gọi là bạn Đức Chúa Trời. 24 Nhân đó anh em biết người ta cậy việc làm được xưng công bình, chớ chẳng những là cậy đức tin mà thôi. 25 Đồng một thể ấy, kỵ nữ Ra-háp tiếp rước các sứ giả và khiến họ noi đường khác mà đi, người há chẳng phải cậy việc làm mà được xưng công bình sao? 26 Vả, xác chẳng có hồn thì chết, đức tin không có việc làm cũng chết như vậy. (Gia-cơ 2:14-26)
- Đức tin chết.
- Không có bằng chứng cho điều mình trông cậy và không thấy.
- Ngược lại đức tin này chứng minh không có Đức Chúa Trời.
- Người có đức tin này cũng không khác biệt gì so với ma quỷ.
- Đức tin này cũng có “phần thưởng” cho nó.
- Ma quỷ được “thưởng” điều gì.
- Thì người có đức tin này cũng được như vậy!
- Đức tin này không cứu được người sở hữu nó.
- Đức tin sống.
- Đức tin có việc làm hay còn gọi là bằng chứng dễ dàng trông thấy chứng minh cho điều mình trông cậy và không thấy.
- Đức tin cứu được người sở hữu nó.
- Đức Chúa Trời ban thưởng.
- Không có đức tin thì không thể nào…
2 Ấy là nhờ đức tin mà các đấng thuở xưa đã được lời chứng tốt. (Hê-bơ-rơ 11:2)
6 Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài. (Hê-bơ-rơ 11:6)
- Bởi cái gì mà những người xưa được có lời chứng tốt? Để có được lời chứng tốt hay sự khen từ ai đó thì đòi hỏi họ phải thấy điều gì nơi chúng ta? Đức tin. Đức tin là nguyên lý duy nhất để con người:
- Làm đẹp lòng Đức Chúa Trời.
- Đến gần Đức Chúa Trời.
- Dựa trên đức tin mà Đức Chúa Trời ban thưởng hay phước lành cho.
- Đức Chúa Trời cũng chính là:
- Sự trông cậy của con người.
- Đấng không thấy được.
17 Nguyền xin sự tôn quí vinh hiển đời đời vô cùng về nơi Vua muôn đời, không hề hư nát, không thấy được, tức là Đức Chúa Trời có một mà thôi! A-men. (1 Ti-mô-thê 1:17)
Vì cớ đức tin là nền tảng đảm bảo vững vàng cho những điều chúng ta trông cậy, và nó cũng là bằng chứng cho những điều không thấy. Do đó đức tin có liên quan đến những điều không thể nhìn thấy được nhưng nó lại là bắng chứng cho điều không thấy đó. Vậy làm sao một người có thể thấy bằng chứng của chúng ta? Nói cách khác đức tin sẽ dẫn người ta làm gì? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các tấm gương của đức tin để có thể hiểu rõ về đức tin. Chìa khóa giúp chúng ta nhìn rõ đức tin là gì chính là “sự trông cậy” và “sự không thấy”. Hãy đặt câu hỏi những người có đức tin đã trông cậy điều gì? Và những điều không thể thấy trong đức tin là gì? Đâu là bằng chứng (việc làm) của đức tin cho điều không thấy đó?
Các tấm gương đức tin
Vì đây bài nằm trong loạt bài về hành trình của đức tin nên chúng ta chỉ sử dụng một minh họa cho tấm gương của đức tin. Các phần còn lại sẽ nằm trong các bài giảng tiếp theo.
- Bởi đức tin A-bên…
4 Bởi đức tin, A-bên đã dâng cho Đức Chúa Trời một tế lễ tốt hơn của Ca-in, và được xưng công bình, vì Đức Chúa Trời làm chứng về người rằng Ngài nhậm lễ vật ấy; lại cũng nhờ đó dầu người chết rồi, hãy còn nói. (Hê-bơ-rơ 11:4)
- A-bên anh có tin rằng có Đức Chúa Trời?
- Có!
- Anh có thấy Ngài chưa?
- Chưa!
- Anh có tin rằng Ngài là Đấng đáng tôn thờ?
- Có!
- Anh có tin rằng sự thờ phượng phải theo mạng lịnh – lẽ thật của Ngài?
- Có!
- Anh có trông đợi Ngài nhậm của lễ mình?
- Đương nhiên là có!
- Anh có thể chứng minh hay trình bày bắng chứng cho những gì anh nói như trên?
- Anh có thấy bàn thờ và của lễ cụ thể (bởi lẽ thật) của tôi không? Tức là chiên đầu lòng trong bầy cùng mỡ nó!
- Chắc chắn là không thành vấn thành đề!
- Vậy anh A-bên thành phần không thấy được trong đức tin của anh là gì?
- Đức Chúa Trời!
Chúng ta thấy rằng A-bên là người của đức tin. Chẳng những như vậy là thôi. Nhưng sau khi bị Ca-in giết đi. Ông vẫn còn nói về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời cho đến tận ngày nay. Ông chết rồi làm sao làm chứng cho Đức Chúa Trời được? Chính đức tin của ông có nơi Đức Chúa Trời mà việc làm của đức tin của ông vẫn còn tiếp tục thuyết phục mọi người nhìn vào vượt xa khỏi sự nghi ngờ.
- Chúng ta học được gì từ đức tin của A-bên.
- Chúng ta tin có Đức Chúa Trời chăng?
- Ừ ma quỷ cũng tin như vậy.
- Chúng ta tin lẽ thật và tâm thần là yếu tố quyết định mà Đức Chúa Trời tìm nơi người thờ phượng thật chăng? Giăng 4:23-24.
- Ừ thì ma quỷ cũng biết điều này.
- Vậy đâu là bằng cớ cho đức tin đó?
- Không bỏ sự nhóm lại. Hêbơrơ 10:25.
- Thờ phượng Đức Chúa Trời bằng tâm thần và lẽ thật.
- Hát, cầu nguyện, tiệc thánh, giảng dạy và dâng hiến.
- Trước tiên thì ma quỷ không đi xa hơn được.
- Nhưng bằng cớ chính là việc làm theo lẽ thật mà Đức Chúa Trời đã chỉ dạy về sự thờ phượng.
Kết luận
- Đức tin là sự bảo đảm vững vàng cho điều trông cậy và là bằng chứng cho điều chẳng xem thấy.
- Đức tin có hai loại sống và chết. Đức tin của anh em là loại nào? Bởi đâu anh em biết?
- Làm sao anh em có thể đến gần Đức Chúa Trời và làm đẹp lòng Ngài và được ban thưởng hay phước từ chính Ngài.
- Đức tin của anh em có thể nói lên được dù thậm chí anh em chết rồi không?
- Nếu được thì bằng cách nào?
- Tôi có tin Đức Chúa Trời không? Nếu có thì đức tin đó sinh ra việc làm hay bằng chứng trong cuộc của tôi như thế nào.