mountains, cross, snow-1081799.jpg

Tin Lành Của Đấng Christ Bài 1

Chúng ta đọc về tin lành của Đấng Christ rất nhiều lần trong Tân Ước. Chúng ta nghe những người khác nói về tin lành của Đấng Christ. Chính chúng ta cũng thường nói đến tin lành theo những cách khác nhau. Nhưng tin lành là gì? Tin lành của Đấng Christ là gì? Chúng ta hãy mở Kinh Thánh ra để tìm câu trả lời. Phao-lô viết, “Vả, Kinh-Thánh nói rằng: Kẻ nào tin Ngài sẽ chẳng bị hổ thẹn. Trong người Giu-đa và người Gờ-réc không có sự phân biệt gì hết, vì họ có chung một Chúa, giàu ơn đối với mọi kẻ kêu xin Ngài. Vì ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu. Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao giảng, thì nghe làm sao? Lại nếu chẳng ai được sai đi, thì rao giảng thể nào? như có chép rằng: Những bàn chân kẻ rao truyền Tin Lành là tốt đẹp biết bao!” (Rôma 10:11-15). Căn bản thì chữ “tin lành” nghĩa là tin tức tốt lành, tin vui, sự cứu rỗi, lẽ thật, lời báo tin, lời hứa và hy vọng. Nó được phân biệt và khác với những tin tức khác vì nó gắn liền với tin lành của Đấng Christ.

Tin lành này được dựa trên sự chết, sự chôn, và sự sống lại của Đức Chúa Jêsus Christ. Sứ đồ Phao-lô viết cho người Cô-rinh-tô, “Hỡi anh em, tôi nhắc lại cho anh em Tin Lành mà tôi đã rao giảng và anh em đã nhận lấy, cùng đứng vững vàng trong đạo ấy, và nhờ đạo ấy, anh em được cứu rỗi, miễn là anh em giữ lấy y như tôi đã giảng cho; bằng không, thì anh em dầu có tin cũng vô ích. Vả trước hết tôi đã dạy dỗ anh em điều mà chính tôi đã nhận lãnh, ấy là Ðấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh Thánh; Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại, theo lời Kinh Thánh;” (1 Cô-rinh-tô 15:1-4). Nhưng làm thế nào điều này trở thành tin lành? Bởi vì qua sự chết, sự chôn và sự sống lại của Đấng Christ, người ta được cứu và có sự trông cậy của sự sống đời đời. Ông cũng nói rằng, “Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì là quyền phép của Ðức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin, trước là người Giu-đa, sau là người Gờ-réc; vì trong Tin Lành nầy có bày tỏ sự công bình của Ðức Chúa Trời, bởi đức tin mà được, lại dẫn đến đức tin nữa, như có chép rằng: Người công bình sẽ sống bởi đức tin.” (Rôma 1:16-17).

Tất cả chúng ta đều biết rằng tin lành có ý nghĩa gì cho chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Khi một số phước lành đến trên chúng ta, chúng ta hạnh phúc và muốn chia sẻ chuyện đó với mọi người. Đây là điều dĩ nhiên. Cũng giống như vậy với tin lành về sự cứu rỗi thông qua Đấng Christ. Nếu chúng ta đã vâng lời Chúa, và đã được cứu bởi ân điển của Ngài, vậy thì chúng ta cũng sẽ kể với thế giới về điều đó. Đây là lý do vì sao Đấng Christ phán, ”Ngài phán cùng các sứ đồ rằng: Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người. Ai tin và chịu phép báp-têm, sẽ được rỗi; nhưng ai chẳng tin, sẽ bị đoán phạt.” (Mác 16:15-16).

Lời Kinh Thánh cũng nói về Tin Lành của Đức Chúa Trời. Chúng ta xem, ”Phao-lô, tôi tớ Ðức Chúa Trời, được gọi làm sứ đồ, để riêng ra đặng giảng Tin Lành Ðức Chúa Trời, là Tin Lành xưa kia Ðức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri Ngài mà hứa trong Kinh Thánh, về Con Ngài, theo xác thịt thì bởi dòng dõi vua Ða-vít sanh ra, theo thần linh của thánh đức, thì bởi sự sống lại của Ngài từ trong kẻ chết, được tỏ ra là Con Ðức Chúa Trời có quyền phép, tức là Ðức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta, nhờ Ngài chúng ta đã nhận lãnh ân điển và chức sứ đồ, để đem mọi dân ngoại đến sự vâng phục của đức tin, vì danh Ngài, trong các dân ấy anh em cũng đã được gọi bởi Ðức Chúa Jêsus Christ; gởi cho hết thảy những người yêu dấu của Ðức Chúa Trời tại thành Rô-ma, được gọi làm thánh đồ. Nguyền cho anh em được ân điển và sự bình an từ nơi Ðức Chúa Trời, Cha chúng ta, và từ nơi Ðức Chúa Jêsus Christ!” (Rôma 1:1-7). Trong cùng một ý nghĩa như vậy, cùng một tác giả nói về Tin Lành của Ân Điển (Ơn) Đức Chúa Trời: “nhưng tôi chẳng kể sự sống mình là quí, miễn chạy cho xong việc đua tôi và chức vụ tôi đã lãnh nơi Ðức Chúa Jêsus, để mà làm chứng về Tin Lành của ơn Ðức Chúa Trời.” (Công vụ các sứ đồ 20:24). Những phân đoạn này mới bày tỏ sự hiệp một hiện hữu giữa Đức Chúa Trời và Đấng Christ. Chính Đức Chúa Trời là Đấng đã sai Đấng Christ để ban tin lành cho thế gian. Theo cách này, tin lành có thể được nói đến như tin lành của Đức Chúa Trời hay tin lành của Đấng Christ.

Một lần nữa, chúng ta xem về Tin Lành vinh hiển. Hãy lắng nghe, “Ấy đó là điều đạo Tin Lành vinh hiển của Đức Chúa Trời hạnh phước dạy dỗ, mà sự truyền đạo đó đã giao phó cho ta.” (1 Timôthê 1:11). Lại nữa, “Nếu Tin Lành của chúng tôi còn che khuất, là chỉ che khuất cho những kẻ hư mất, cho những kẻ chẳng tin mà chúa đời nầy đã làm mù lòng họ, hầu cho họ không trông thấy sự vinh hiển chói lói của Tin Lành Ðấng Christ, là ảnh tượng của Ðức Chúa Trời.” (2 Cô-rinh-tô 4:3-4). Tin lành được nói đến là sự vinh hiển, nghĩa là thuộc ở trên trời, đời đời, v.v, bởi vì tin lành đến từ Đức Chúa Trời và Đấng Christ.

Trong Mathiơ, Mác, Luca và Giăng từ ngữ “tin lành nước Đức Chúa Trời” được sử dụng vài lần. “Ðức Chúa Jêsus đi khắp các thành, các làng, dạy dỗ trong các nhà hội, giảng tin lành nước Ðức Chúa Trời, và chữa lành các thứ tật bịnh.” (Mathiơ 9:35). “Sau khi Giăng bị tù, Ðức Chúa Jêsus đến xứ Ga-li-lê, giảng Tin-Lành của Ðức Chúa Trời, mà rằng: Kỳ đã trọn, nước Ðức Chúa Trời đã đến gần; các ngươi hãy ăn năn và tin đạo Tin Lành.” (Mác 1:14-15). Trong suốt thời kỳ này, Đấng Christ và những người khác đã rao giảng tin lành của vương-quốc (nước) sắp đến. Nói cách khác, vương quốc vẫn chưa được thành lập, nhưng sớm sẽ thành. Sau đó, tin lành được giảng dựa trên sự thật về sự chết, sự chôn và sự sống lại của Chúa. Hễ những ai đã vâng phục các mạng lịnh của tin lành thì được cứu và được thêm vào Hội Thánh của Chúa, hay vương quốc (Công Vụ Các Sứ Đồ 2).

Tiếp đến chúng ta đọc Tin Lành về sự cứu rỗi. Được nói tới các tín đồ của Đấng Christ tại Êphêsô, Sứ Đồ nói, “Ấy lại cũng trong Ngài mà anh em sau khi đã nghe đạo chân thật, là đạo Tin Lành về sự cứu rỗi anh em, ấy là trong Ngài mà anh em đã tin và được ấn chứng bằng Ðức Thánh Linh là Ðấng Chúa đã hứa,” (Êphêsô 1:13). Đó là tin lành mà mang đến sự cứu rỗi. Đôi khi chúng ta nói về tin lành là chương trình cứu rỗi, điều đó có một ý nghĩa là mô tả về kế hoạch của Chúa hay phương cách để cứu rỗi con người.

Kế đến, chúng ta có Tin Lành bình an. Quay trở lại Rôma 10:15, tác giả viết, “Lại nếu chẳng ai được sai đi, thì rao giảng thể nào? như có chép rằng: Những bàn chân kẻ rao truyền tin Lành là tốt đẹp biết bao!”. Êphêsô 6:14-16 “Vậy, hãy đứng vững, lấy lẽ thật làm dây nịt lưng, mặc lấy giáp bằng sự công bình, dùng sự sẵn sàng của Tin Lành bình an mà làm giày dép. Lại phải lấy thêm đức tin làm thuẫn, nhờ đó anh em có thể dập tắt được các tên lửa của kẻ dữ.” Tin lành mang đến bình an – sự bình an của tâm trí, sự bình an của linh hồn, sự bình an với những người mà cùng chúng ta bước theo. Đấng Christ là người của sự bình an và tin lành của Ngài đem đến bình an mà Ngài đã trải qua – sự bình an với Đức Chúa Trời. Chắc chắn đó là tin lành.

Cuối cùng, chúng ta được kể về Tin Lành của sự trông cậy. “Còn anh em ngày trước vốn xa cách Ðức Chúa Trời, và là thù nghịch cùng Ngài bởi ý tưởng và việc ác mình, nhưng bây giờ Ðức Chúa Trời đã nhờ sự chết của Con Ngài chịu lấy trong thân thể của xác thịt mà khiến anh em hòa thuận, đặng làm cho anh em đứng trước mặt Ngài cách thánh sạch không vết, không chỗ trách được; miễn là anh em tin Chúa cách vững vàng không núng, chẳng hề dời khỏi sự trông cậy đã truyền ra bởi đạo Tin Lành mà anh em đã nghe, là đạo được giảng ra giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời, và chính tôi, Phao-lô, là kẻ giúp việc của đạo ấy.” (Côlôse 1:21-23). Như là một kết quả của sự vâng phục tin lành, người ta có sự trông cậy của sự sống và sự sống đời đời. Đây là những gì mà tác giả đang nói đến ở đây. Sự trông cậy không đến từ đường nào khác ngoài tin lành.

Từ lần này đến lần khác Phao-lô nói về “tin lành của tôi” và “tin lành của chúng ta”. Ông có ý gì khi nói như thế? Ông chỉ đơn giản chỉ về tin lành mà ông và những người khác đã nhận và tin lành đó là điều mà Chúa đã ban cho họ để rao giảng cho những người khác. Liên quan đến điều này, ông nói “Vả, đạo Tin Lành chúng tôi đã rao truyền cho anh em, không những bằng lời nói thôi, lại cũng bằng quyền phép, Ðức Thánh Linh và sức mạnh của sự tin quyết nữa. Vì anh em biết rõ cách chúng tôi ở giữa anh em và lòng yêu thương đối với anh em là thể nào.” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:5). Cũng vậy, như được chỉ ra ở đây và trong Rôma 1:16, tin lành là quyền phép mà trong đó tin lành cứu những kẻ tin và vâng phục tin lành.

Đây là tin lành nằm trong lời của Kinh Thánh. Tin lành đơn giản nhưng đầy quyền năng. Tin lành đương thời cũng như tin lành ngày nay và trường tồn như Đấng Christ. Tin lành cứu rỗi; tin lành cho sự trông cậy. Chỉ có một tin lành mà thôi và tin lành phải được rao giảng cho tất cả. Tin lành là của Đấng Christ, Đức Chúa Trời, và là sự vinh hiển. Tin lành ban phước, tin lành yêu cầu và tin lành mang đến trách nhiệm. Tin lành dành cho một và cho tất cả mọi người. Đây thật là tin lành.

TIN LÀNH CỦA ĐẤNG CHRIST

13 BÀI HỌC ĐƯỢC DẠY TỪ LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI

J.C. CHOATE

BIÊN DỊCH BỞI HỒNG ÂN & QUÝ HOÀNG

Mục Lục

  1. TIN LÀNH CỦA ĐẤNG CHRIST BÀI 1
  2. NHỮNG SỰ KIỆN CỦA TIN LÀNH BÀI 2
  3. SỰ KÊU GỌI CỦA TIN LÀNH BÀI 3
  4. SỰ VÂNG PHỤC TIN LÀNH BÀI 4
  5. VIỆC NGHE TIN LÀNH BÀI 5
  6. ĐỨC TIN NƠI ĐỨC CHÚA TRỜI BÀI 6
  7. SỰ ĂN NĂN TỘI LỖI BÀI 7
  8. SỰ XƯNG NHẬN ĐẤNG CHRIST BÀI 8
  9. PHÉP BÁP-TÊM ĐỂ ĐƯỢC THA TỘI BÀI 9
  10. CÁC ƠN PHƯỚC CỦA TIN LÀNH BÀI 10
  11. VIỆC RAO GIẢNG TIN LÀNH BÀI 11
  12. VIỆC GIẢNG NHỮNG TIN LÀNH KHÁC BÀI 12
  13. SỰ NGĂN TRỞ TIN LÀNH BÀI 13

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top