paper, heart, symbol-1100254.jpg

Thái Độ Phải Lẽ Đối Với Lẽ Thật – Mathiơ 2:1-23

Tiếng Nói Của Lẽ Thật
Tiếng Nói Của Lẽ Thật
Thái Độ Phải Lẽ Đối Với Lẽ Thật - Mathiơ 2:1-23
/

Sứ Đồ Mathiơ ở đoạn 1 đã cho chúng ta thấy sự thành tín của Đức Chúa Trời qua việc đem Đấng Christ giáng lâm. Chúng ta nhận biết Đức Chúa Jêsus được gọi là Đức Chúa Trời ở cùng loài người, Cứu Chúa, và Đấng Christ. Vậy đối mặt với lẽ thật về sự hiện diện của Đức Chúa Trời tại thế gian, loài người đã có thái độ đón nhận lẽ thật đó ra sao? Đâu là thái độ phải lẽ mà một người cần phải có để đối diện với lẽ thật về Cứu Chúa, Đấng Chăn Dắt, Đấng Cai Trị, và Vua của loài người.

I.          BA LOẠI NGƯỜI ĐỐI MẶT VỚI LẼ THẬT

A.    Thái Độ Thù Địch

Vua Hê-rốt đại diện cho loại người có thái độ thù địch đối với lẽ thật. Khi ông nhận biết rằng Vua dân Giu-đa mới sanh trong địa phận của mình, ông không hề vui mừng ngược lại ông ”bối rối.” Việc không chỉ dừng tại đây, nhưng ông muốn tiêu diệt luôn vị vua mới sanh này.

Việc một vị vua mà ứng nghiệm lời tiên tri và đáp ứng sự trông đợi của dân chúng là một tin vui. Nhưng dân chúng vì sợ vua Hê-rốt cũng không thể nào đón nhận tin tức này một cách vui mừng được. Họ cũng bối rối giống như Hê-rốt. Họ lo sợ Hê-rốt sẽ làm gì đó điên dại mà ảnh hưởng đến họ. Vì biết rằng vị vua này giết cả vợ và con của ông chỉ vì họ đã có thể uy hiếp ngôi vị của ông.[1] Do đó nếu lẽ thật đến mà ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, dù là tin vui họ cũng không thể vui mừng được. Ngược lại họ dè chừng.

Do đó, thái độ thù địch nghịch cùng lẽ thật được thấy rõ trong Hê-rốt và sự lo sợ của dân chúng. Liệu chúng ta khi nghe lẽ thật có bối rối như Hê-rốt chăng, hay sợ sệt như dân chúng chăng?

B.    Thái Độ Thờ Ơ

Nếu ai đó phải vui mừng khôn xiết vì cớ lẽ thật đến một cách ứng nghiệm trọn vẹn thì các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo, phải là những người đầu tiên. Vì họ tinh thông lời Đức Chúa Trời và trông đợi sự ứng nghiệm của lời Ngài. Nhưng trong mạch văn của chúng ta thì cho thấy điều trái ngược hoàn toàn.

Những người này không hề bày tỏ sự vui mừng, cũng như nỗ lực đi tìm vị vua của lẽ thật mới vừa chào đời. Họ đầy kiến thức về lời Đức Chúa Trời phải ứng nghiệm ở đâu, nhưng không hề đầy lòng vui mừng trông đợi sự ứng nghiệm của lẽ thật. Họ biết lẽ thật nhưng lại có thái độ thờ ơ. Họ không hề vui hay buồn vì cớ tin tức này. Liệu đây có phải là thái độ mà tín đồ Đấng Christ nên có? Lưu ý rằng về sao thì thái độ hâm hẩm này sẽ phải bộc lộ rõ hơn, một là nóng hoặc lạnh. Họ chọn đóng đinh Chúa về sau. Do đó không ai có thể thờ ơ mãi được!

C.    Thái Độ Phải Lẽ

Trái ngược với hai loại người vừa nêu, các bác sĩ hay những nhà chiêm tinh từ đông phương không những vui mừng về lẽ thật, mà họ còn lặn lội xa xôi rời khỏi quê hương của họ để tìm thấy và thờ lạy vị vua mới chào đời. Họ là những người không chỉ có kiến thức về lẽ thật mà có có lòng khát khao trải nghiệm sự ứng nghiệm của lẽ thật. Họ không ngại khó khăn, nguy hiểm, hay thậm chí tốn kém của cải của mình để bày tỏ lòng yêu chuộng lẽ thật và thờ lạy “Đức Chúa Trời”. Với họ được dự phần và trải nghiệm lẽ thật là điều quan trọng nhất. Họ không còn kể mạng sống hay vật chất cũng như danh vọng là quan trọng. Sự thờ lạy vị vua dầu Ngài mới sanh là ưu tiên hàng đầu của họ. Đây có phải là thái độ đúng đắn đối với lẽ thật mà chúng ta nên có?

Giô-sép và Ma-ri, và các Bác sĩ không chỉ sẵn lòng vâng phục lẽ thật mà còn sẵn lòng bênh vực hay bảo vệ lẽ thật. Các bác sĩ vâng lời Chúa đi đường khác trở về quê mình. Giô-sép vâng lời đưa vợ con mình trốn qua xứ Ê-díp-tô.

II.          Ý TƯỞNG CỦA LOÀI NGƯỜI VÀ ĐỨC CHÚA TRỜI

Khi đối diện với lẽ thật chúng ta không chỉ nhìn thấy thái độ của loài người và Đức Chúa Trời. Mà chúng ta còn thấy hai ý tưởng đối với lẽ thật như thế nào.

A.    Loài Người

Với điều kiện của Hê-rốt khi muốn làm gì đó sẽ không quá khó với ông. Vì ông không chỉ có danh vọng, quyền lực, mà còn tài lực. Do đó sẽ không quá khó để ông có thể bắt mọi việc phải theo ý mình. Với một người hoàn toàn ích kỷ như Hê-rốt và sẵn sàng giết vợ và con mình thì hiển nhiên không còn gì có thể cản đường ông.

Việc Đức Chúa Jêsus Christ giáng sinh cũng không phải là ngoại lệ đối với Hê-rốt. Ông đã lên kế hoạch và che đậy một cách khôn khéo trước các bác sĩ với lý do ông cũng muốn thờ lạy vị vua mới sanh nên ra lệnh cho họ tìm kiếm cẩn thận và báo tin cho ông. Việc ông hỏi rõ ngày giờ trong sự kín nhiệm cho thấy ông rất quan tâm. Nhưng hết thảy công sức, tâm trí, và nỗ lực không phải để cho lẽ thật được phơi bày mà là để tiêu diệt lẽ thật khi còn trong trứng nước. Vậy Hê-rốt đã làm hết mình để tiêu diệt lẽ thật.

Cũng như Hê-rốt hiện các thầy thông giáo và các thầy tế lễ cả dường như hâm hẩm và thờ ơ trước lẽ thật. Nhưng không lâu sau họ cũng gia nhập ý tưởng tiêu diệt lẽ thật của Hê-rốt.

Dân chúng phần nào thấy lẽ thật xuất hiện và cảm nhận sức nóng phần nào qua sức ép của Hê-rốt. Nhưng không lâu sau, chính họ cũng muốn tiêu diệt lẽ thật. Vì giờ lẽ thật không còn gây sức ép gián tiếp qua Hê-rốt, nhưng trực tiếp trên họ.

Những người như Giô-sép, Mari, và các Bác Sĩ chọn bị chèn ép từ phía con người hơn là từ chối và tiêu diệt lẽ thật. Chính họ dường như dùng hết sức của mình để tìm, gìn giữ, và bảo vệ lẽ thật. Thì lẽ thật ngược lại bảo vệ và ban phước cho họ.

B.    Đức Chúa Trời

Đức Chúa Trời là Đấng thấy trong chỗ kín nhiệm, thậm chí trong tâm trí con người. Do đó kế hoạch tưởng như không chút kẽ hở nào để triệt tiêu lẽ thật của Hê-rốt lại bị vạch trần bởi Đức Chúa Trời. Đến chết Hê-rốt vẫn chưa thấy ý tưởng của mình được thực hiện. Điều này cho thấy sự tể trị và toàn tri của Đức Chúa Trời. Bất kỳ ý tưởng nào nghịch cùng ý muốn của Đức Chúa Trời đều hóa ra hư không.

Đức Chúa Trời che chở Đức Chúa Jêsus thông qua Giô-sép và các Bác sĩ. Ngài sắm sẵn cho Giô-sép lên đường qua các lễ vật của các Bác-sĩ.

Do đó, dù nhìn như có vẻ chắc chắn là lẽ thật sẽ bị bắt hiếp và thất thế trước vương quyền của Hê-rốt. Nhưng ngược lại còn có vương quyền lớn hơn đang hành động. Vương quyền và vương quốc của Đức Chúa Trời thật sự đang đến gần. Chúng ta thấy rằng ý muốn của Đức Chúa Trời còn lại đời đời.

KẾT LUẬN

Chúng ta cần có thái độ phải lẽ như các bác-sĩ, Giô-sép và Mari. Điều này sẽ chi phối tâm trí và hành động của chúng ta đối với lẽ thật. Do đó chúng ta sẽ sẵn lòng từ bỏ mọi thứ để thờ lạy Đức Chúa Trời.

Thái độ thù địch và thờ ơ trước lẽ thật sẽ dẫn chúng ta chống nghịch cùng Đức Chúa Trời.

Ý tưởng của Đức Chúa Trời luôn thắng hơn ý tưởng của loài người. Điều này dạy chúng ta phải biết kính sợ ai.

Liệu anh em có sẵn lòng hy sinh mọi thứ để thờ lạy Đức Chúa Trời? Liệu anh em có thể hy sinh mọi thứ để thờ lạy Đức Chúa Trời? Nếu có anh em sẽ đi bao xa và mang lễ vật có giá trị gì?

[1] Do đó có người từng nói, “thà làm heo của Hê-rốt chứ không làm con của Hê-rốt.”

Có Thể Bạn Quan Tâm!

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top