Sự Kính Sợ Đức Chúa Trời Là Gì?

Trong bài học này chúng ta sẽ cùng nhận biết khái niệm về sự kính sợ Đức Chúa Trời. Làm thế nào để có sự kính sợ, cũng như vì sao chúng ta cần kính sợ Đức Chúa Trời. Bài học này giúp chúng ta có góc nhìn cân bằng về tình yêu thương và sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Việc nhận biết rõ điều này sẽ giúp thay đổi nhận thức, thái độ, và hành động của chúng ta.

27 Sự kính sợ Ðức Giê-hô-va vốn một nguồn sự sống, Ðặng khiến người ta tránh khỏi bẫy sự chết. (Châm Ngôn 14:27)

Lòng ngươi sẽ suy ngẫm sự kinh khiếp… Êsai 33:18

28 Đừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn; nhưng thà sợ Đấng làm cho mất được linh hồn và thân thể trong địa ngục. (Ma-thi-ơ 10:28)

A.    Khái Niệm “Sợ”

Đức Chúa Trời tạo dựng loài người không chỉ có lý trí mà còn có cảm xúc. “Sợ hãi” là một trong những cảm xúc mà Đức Chúa Trời đã đặt để trong lòng con người. Cảm xúc sợ là một phản ứng bình thường. Thậm chí nó là tích cực nếu được áp dụng hợp lý.

Ê-va nhận thức được tính chất nguy hiểm trong lời phán của Đức Chúa Trời rằng: “nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết”(Sáng Thế Ký 2:17). Do đó bà sợ hay dè chừng cây này đến mức nói rằng: “chẳng nên ăn đến và cũng chẳng nên đá-động đến, e khi hai ngươi phải chết chăng”(Sáng Thế Ký 3:3).Đức Chúa Trời không hề cấm họ không được chạm vào trái cấm, nhưng vì ý thức được nên bà sợ nó. Đây là điều tốt cho đến khi bà không còn sợ nữa.

Về mặt thuật ngữ “sợ” có thể đi từ thái cực này đến thái cực khác; “kinh sợ” đến “kính sợ.” Kinh sợ, kinh khiếp, hãi hùng… đều chỉ đến cảm xúc sợ hãi tột cùng mà không hề đi kèm thái độ tôn kính. Sự khác nhau của hai thái cực nằm ở chỗ thái độ đằng sau nó. Ma-quỉ có thể run-sợ Đức Chúa Trời nhưng mà không tôn kính Ngài (Gia-cơ 2:19). Chúng ta có thể vừa kinh sợ và kính sợ Đức Chúa Trời (Khải Huyền 19:5). Tùy theo mạch văn mà chúng ta sẽ nhận biết thái độ khác nhau khi thuật ngữ được sử dụng. Vì thuật ngữ không bao hàm thái độ khi nó được dùng. Cũng vậy thuật ngữ trong Tiếng Việt có thể khác nhau trong cách dùng từ “kinh” hay “kính,” nhưng trong ngôn ngữ gốc Hơ-bơ-rơ và Hy-Lạp không hề đính kèm hay bao gồm hai từ này. Do đó chúng ta cần thận trọng xác định thái độ dựa vào mạch văn hơn là bản dịch. Từ sợ này được dùng trong sự sống hằng ngày đến mối quan hệ với Đức Chúa Trời.

B.    Sự Nhận Thức Và Sự Quen Thuộc

Sự sợ hãi đôi lúc đòi hỏi phải có sự nhận thức đi trước. Một đứa trẻ mới sanh ra sẽ không biết “sợ” một số thứ nguy hiểm trong nhà. Vì lý do đơn giản là nó không có sự nhận thức về những thứ mà nó đang tiếp cận. Nhưng với nhận thức, một người sẽ phát sợ khi phát hiện đứa bé đang chơi dao hay vật sắc nhọn.

Đôi khi sự sợ hãi xuất hiện mà không cần phải có sự hiểu biết rõ về điều mà mình đang đối mặt. Nhưng tối thiểu có một sự đánh giá ngắn gọn về những điều quen thuộc với những thứ lạ lẫm hay cảm giác bất an xuất hiện (2 Cô-rinh-tô 7:5). Từ đồng nghĩa cho sự sợ này là sự thận trọng để đánh giá khách quan về những gì mình đang đối mặt. Ví dụ về đứa trẻ một lần nữa. Nó có thể không sợ dao, kéo, kim… nhưng nó sẽ sợ người lạ tiếp cận mình dù không hề có sự hiểu biết trước về người đó. Những gì nó làm là so sánh với những điều quen thuộc (Cha, Mẹ, Ông, Bà…). Do đó khi môi trường của nó dường như đang biến đổi sang chiều hướng khác lạ, nó sẽ sợ. Như vậy dẫn đến sự tự vệ bằng cách khóc. Chúng ta có thể không khóc như con trẻ nhưng chúng ta vẫn sợ khi môi trường khác lạ xuất hiện. Hãy suy ngẫm và đặt mình vào trường hợp của thầy tế lễ Xa-cha-ri và Ma-ri xem chúng ta có sợ chăng (Lu-ca 1:11-12, 28-30).

Tiến Sĩ Jeremy Barrier từng động viên tôi trong việc thi bằng lái xe ở Mỹ. Ông dùng một ví dụ minh họa về việc trèo lên mái nhà để sửa chữa hay làm bất cứ đều gì. Lần đầu tiên chắc chắn ai cũng sợ. Vì môi trường khác lạ và sự nhận thức được sự nguy hiểm. Do đó nỗi sợ này là bình thường và cần thiết. Vì nó cứu sống chúng ta khỏi sự bất cẩn và sự nguy hiểm của việc té từ độ cao nhất định. Nhưng điều đáng sợ hơn là khi chúng ta dần trở nên quen thuộc với việc ở trên mái nhà, chúng ta dần quên đi hay phớt lờ sự nhận thức hay sự hiểu biết của sự nguy hiểm khi ở trên mái nhà. Lúc đó chúng ta có khả năng té ngã cao hơn. Vì vậy sự quen thuộc với nỗi sợ không giúp ích cho chúng ta. Vì nó đánh tan nỗi sợ. Nhưng việc giữ sự nhận thức về mối nguy hiểm sẽ cứu chúng ta. Cho nên chúng ta cần phải giữ sự nhận thức hay sự hiểu biết luôn luôn hầu cho sự sợ không tan biến đi trong lòng chúng ta. Nhờ đó mà chúng ta sẽ không trở nên bất cẩn và liều lĩnh.

Sự quen thuộc không phải là điều tốt hay xấu mà chúng ta cần loại hay giữ. Điều mà tôi muốn nhấn mạnh rằng đừng chỉ sống với sự quen thuộc mà bỏ rơi sự nhận thức. Chúng ta cần nuôi dưỡng sự nhận thức và luôn đặt nó đi trước sự quen thuộc. Hãy kiểm tra xem cảm xúc của bạn khi đọc các đoạn Kinh Thánh sau đây (Ma-thi-ơ 9; Lu-ca 8-9; Công Vụ Các Sứ Đồ 5:1-14).

14 Đoạn, Ngài lại gần, rờ quan tài, thì kẻ khiêng dừng lại. Ngài bèn phán rằng: Hỡi người trẻ kia, ta biểu ngươi chờ dậy. 15 Người chết vùng ngồi dậy và khởi sự nói. Đức Chúa Jêsus giao người lại cho mẹ. 16 Ai nấy đều sợ hãi, và ngợi khen Đức Chúa Trời rằng: Có đấng tiên tri lớn đã dấy lên giữa chúng tôi, và Đức Chúa Trời đã thăm viếng dân Ngài. (Lu-ca 7:14-16)

Nếu sau khi đọc xong mà bạn không hề có chút cảm xúc khác lạ nào nghĩa là bạn đã quen thuộc với những đoạn Kinh Thánh này, và có khả năng không để ý đến tính chất bất thường của những trường hợp này. Nhưng còn sự nhận thức của bạn khi đọc các đoạn Kinh Thánh này thì sao? Chúng ta thấy đoàn dân nhận thức được năng lực khiến sống kẻ chết của Đức Chúa Jêsus Christ mà bắt sợ. Đoàn dân cũng nhận thức được việc nói dối trong Hội Thánh và sự chết của vợ chồng A-na-nia mà không dám nhập bọn với môn đồ nếu họ có cùng ý tưởng với vợ chồng A-na-nia.

C.    Mối Quan Hệ Với Tội Lỗi

Tội lỗi lúc nào cũng liên quan đến sự sợ. Nhưng không phải mọi sự sợ hãi đều liên quan đến tội lỗi. Ví dụ đứa trẻ chẳng hạn. Nó sợ khi thấy bất an. Do đó không thể quy cho nó là đang phạm tội được. A-đam và Ê-va sợ Đức Chúa Trời sau khi họ đã phạm tội. Ca-in sợ hình phạt của Đức Chúa Trời và người ta. Sáng Thế Ký 3-4.

Châm ngôn 28:1 miêu tả chân thật về mối quan hệ này rằng:

Kẻ ác chạy trốn dầu không ai đuổi theo…

Những kẻ phạm tội đã kinh hãi trong Si-ôn; bọn vô đạo đã run rẩy. Ê-sai 33:14

Sợ có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến hành động của chúng theo cả hai hướng; tiêu cực và tích cực. Do đó nếu chúng ta biết vận dụng nó, thì nó sẽ trở thành lợi thế và động lực cho chúng ta, và ngược lại.

Trường hợp của Sau-lơ thì là động lực tiêu cực cho ông không vâng lời Đức Chúa Trời.

24 Sau-lơ đáp cùng Sa-mu-ên rằng: Tôi có phạm tội. Tôi đã can phạm mạng lịnh Ðức Giê-hô-va, và lời của ông. Tôi sợ dân sự, nên nghe theo tiếng của họ. (1 Sa-mu-ên 15:24)

Trường hợp của Áp-ra-ham thì là động lực tích cực cho ông vâng phục Đức Chúa Trời, thậm chí dâng con một yêu dấu của mình là Y-sác.

12 Thiên sứ phán rằng: Ðừng tra tay vào mình con trẻ và chớ làm chi hại đến nó; vì bây giờ ta biết rằng ngươi thật kính sợ Ðức Chúa Trời, bởi cớ không tiếc với ta con ngươi, tức con một ngươi. (Sáng Thế Ký 22:12)

D.   Sợ Và Sự Trừng Phạt

Sự trừng phạt và sợ có liên quan đến nhau thông qua sự nhận thức. Nghĩa là chúng ta cần có sự nhận biết trước về thưởng – phạt, phước lành và rủa sả, đúng – sai. Khi chúng ta không làm đúng theo lời Đức Chúa Trời thì chúng ta nhận biết hậu quả sẽ ra thể nào bởi thế chúng ta sợ. Do đó một tội nhân nhận biết mình không có lối thoát sẽ khó tránh khỏi sự sợ hãi về hình phạt mà mình sẽ phải chịu. Cho nên mọi sự trừng phạt đều liên quan đến hay gây nên sự sợ hãi. Đây là lý do vì sao sứ đồ Giăng nói rằng:

18 Quyết chẳng có điều sợ hãi trong sự yêu thương, nhưng sự yêu thương trọn vẹn thì cất bỏ sự sợ hãi; vì sự sợ hãi có hình phạt, và kẻ đã sợ hãi thì không được trọn vẹn trong sự yêu thương. (1 Giăng 4:18)

14 Vậy thì, vì con cái có phần về huyết và thịt, nên chính Đức Chúa Jêsus cũng có phần vào đó, hầu cho Ngài bởi sự chết mình mà phá diệt kẻ cầm quyền sự chết, là ma quỉ, 15 lại cho giải thoát mọi người vì sợ sự chết, bị cầm trong vòng tôi mọi trọn đời. (Hê-bơ-rơ 2:14-15)

3 Vả, các quan quyền không phải để cho người làm lành sợ, mà để cho người làm dữ sợ. Ngươi muốn không sợ quyền phép chăng? Hãy làm điều lành, sẽ được khen thưởng; (Rô-ma 13:3)

Một người tội nhân quả hẳn sẽ sợ khi biết mình không có cách nào thoát khỏi án phạt được. Do đó người đó không thể trọn vẹn được. Nghĩa là được cứu toàn vẹn.

E.     Sự Quen Thuộc Hay Sự Cứng Lòng

Đối với tội lỗi chúng ta sợ khi lần đầu tiên phạm tội vì cớ sự khác lạ và sự nhận thức được hậu quả và sự nguy hiểm. Nhưng khi phạm tội quen rồi chúng ta không còn quan trọng sự nhận thức nữa và thậm chí là phớt lờ nó hay không quan tâm nữa. Chúng ta không còn biết sợ là gì nữa. Điều này dẫn đến điều đáng sợ hơn mà Kinh Thánh luôn cảnh báo đó là sự cứng lòng (Hơ-bơ-rơ 3-4).

14 Người nào hằng kính sợ luôn luôn lấy làm có phước thay; Còn ai cứng lòng mình sẽ sa vào tai nạn. (Châm Ngôn 28:14)

Mọi sự cứng lòng đều liên quan đến sự quen thuộc hay thói quen dẫn đến không biết sợ, và việc dập tắt sự cảnh báo của sự nhận thức. Nhưng không phải mọi sự quen thuộc hay thói quen đều là sự cứng lòng.

Một khi con người cứng lòng thì sự kính sợ Đức Chúa Trời sẽ không thể sống hay phát triển trong lòng người đó, nó đã chết. Sự cứng lòng còn được diễn tả như sự chai lì, nghĩa là không biết đau nữa (1 Ti-mô-thê 4:2). Nếu cảm giác biết đau giúp chúng ta rút tay kịp thời khỏi điều nguy hiểm. Thì cảm giác sợ hãi cũng vậy. Nhưng khi đã cứng lòng và chai lì thì chỉ có người khác sợ mình, chứ mình không còn biết sợ ai nữa. Thật nguy hiểm vô cùng cho một người cứng lòng. Vì không còn hệ thống cảnh báo nào nữa, như xe không phanh, không đèn. Chả khác gì người mất đi ngũ giác.

Để trở nên cứng lòng, con người luôn tìm cách hợp thức hóa lối sống của mình theo nhiều cách khác nhau;

  • Phủ phận sự tồn tại của Đức Chúa Trời. Thi Thiên 14; 53.
  • Phủ nhận thẩm quyền và quyền năng của lời Đức Chúa Trời. 2 Phi-e-rơ 3:3-4
  • Phủ nhận sự tồn tại của lời Đức Chúa Trời. Giăng 9:29
    • Vì sao Vua Pha-ra-ôn cứng lòng? Vì ông không hề cho phép hay đặt lời Đức Chúa Trời vào lòng mình.
    • 22 Song các thuật sĩ cậy phù chú mình cũng làm được như vậy, lòng Pha-ra-ôn cứng cỏi, không nghe Môi-se và A-rôn chút nào, y như lời Ðức Giê-hô-va đã phán. 23 Pha-ra-ôn xây đi về đền mình, lòng chẳng để về mấy điều đó chút nào. (Xuất Ê-díp-tô Ký 7:22-23)
  • “Nghe” nhưng Không vâng phục lời Đức Chúa Trời. Hơ-bơ-rơ 3:7-4:13. Giê-rê-mi 11:6-8.
  • Không tin cậy lời của Đức Chúa Trời hay Đức Chúa Trời. Hơ-bơ-rơ 3:7-4:13.
  • Không có sự sợ Đức Chúa Trời. Rôma 3:18; Giê-rê-mi 2:19.
  • “Thiếu” sự nhận thức. Châm Ngôn 1:29

F.     Sợ Và Sự Cứu Rỗi

Một người ở trong Đấng Christ thì nỗi sợ hình phạt này không tồn tại. Vì cớ chúng ta được sự xưng công bình đến bởi ân điển qua đức tin. Chúng ta không còn bị kết án nữa.

1 Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ; (Rô-ma 8:1)

Chúng ta cũng cần phải lưu ý rằng không phải mọi sự sợ hãi đều liên quan đến sự trừng phạt. Tín đồ Đấng Christ dù không còn bị lên án trong Đấng Christ nữa, thì cũng không có nghĩa là chúng ta không còn sợ Đức Chúa Trời. Ngược lại Kinh Thánh dạy rằng chúng ta phải kính sợ Ngài.

17 Hãy kính mọi người; yêu anh em; kính sợ Đức Chúa Trời; tôn trọng vua. (1 Phi-e-rơ 2:17)

17 Nếu anh em xưng Đấng không tây vị ai, xét đoán từng người theo việc họ làm, bằng Cha, thì hãy lấy lòng kính sợ mà ăn ở trong thời kỳ ở trọ đời nầy, (1 Phi-e-rơ 1:17)

Chúng ta không còn sợ hình phạt nữa vì cớ Đấng Christ đã chịu thế chúng ta. Dầu vậy chúng ta phải biết sợ sự trật phần ân điển mà Đức Chúa Trời dành sẵn cho chúng ta, nếu mình phạm tội. Điều này có nghĩa là chúng ta không muốn môi trường vâng phục Đức Chúa Trời của chúng ta có bóng dáng của sự khác lạ xuất hiện (sự không vâng phục). Do đó sự sợ là điều cần thiết cho sự sống thuộc linh của chúng ta. (Cô-lô-se 3:22;

1 Vậy, đang khi còn có lời hứa cho vào sự yên nghỉ Chúa, hãy lo sợ, kẻo trong chúng ta có ai bị trừ ra chăng. (Hê-bơ-rơ 4:1)

19 Ngươi sẽ nói rằng: Các nhánh đã bị cắt đi, để ta được tháp vào chỗ nó. 20 Phải lắm; các nhánh đó đã bị cắt bởi cớ chẳng tin, và ngươi nhờ đức tin mà còn; chớ kiêu ngạo, hãy sợ hãi. 21 Vì nếu Đức Chúa Trời chẳng tiếc các nhánh nguyên, thì Ngài cũng chẳng tiếc ngươi nữa. 22 Vậy hãy xem sự nhân từ và sự nghiêm nhặt của Đức Chúa Trời: Sự nghiêm nhặt đối với họ là kẻ đã ngã xuống, còn sự nhân từ đối với ngươi, miễn là ngươi cầm giữ mình trong sự nhân từ Ngài; bằng chẳng, ngươi cũng sẽ bị chặt. (Rô-ma 11:19-22)

3 Nhưng tôi ngại (sợ – cùng một từ tiếng Hy-Lạp) rằng như xưa Ê-va bị cám dỗ bởi mưu chước con rắn kia, thì ý tưởng anh em cũng hư đi, mà dời đổi lòng thật thà tinh sạch đối với Đấng Christ chăng. (2 Cô-rinh-tô 11:3)

12 Ấy vậy, hỡi những kẻ rất yêu dấu của tôi, như anh em đã vâng lời luôn luôn, chẳng những khi tôi có mặt mà thôi, lại bây giờ là lúc tôi vắng mặt, hãy càng hơn nữa, mà lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình. (Phi-líp 2:12)

Tác Giả: Trần Hồng Ân

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Dàn Bài
Scroll to Top