heart, love, sunset-3147976.jpg

Sự Dọn Lòng Cho Nước Đức Chúa Trời – Mathiơ 3:1-17

Tiếng Nói Của Lẽ Thật
Tiếng Nói Của Lẽ Thật
Sự Dọn Lòng Cho Nước Đức Chúa Trời - Mathiơ 3:1-17
/

Sứ Đồ Mathiơ qua 2 đoạn đầu đã cho chúng ta thấy Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ, Đức Chúa Trời ở cùng loài người, Đấng cứu rỗi, Vua của dân Giu-đa, Đấng cai trị, và Đấng chăn dắt. Chúng ta cũng đã nhìn thấy thái độ của loài người trước tin lành cho tội nhân. Giờ chúng ta sẽ cùng nhận biết tấm lòng của tội nhân cần phải có hành động nào để chào đón tin lành này về vương quyền và vương quốc của Đức Chúa Jêsus Christ.

I.          Chức Vụ Của Giăng Báp-tít

A.    Sự Chuẩn Bị Cho Giăng

Mục đích Giăng được sinh ra để “đi trước mặt Chúa, dọn đường Ngài” (Luca 1:76). Đức Chúa Trời cũng đã nói tiên tri về chức vụ của Giăng (Malachi 4:5-6) là đem lòng của dân chúng trở lại cùng Chúa. Giăng được Đức Chúa Trời sai đến để làm chứng về Đức Chúa Jêsus: Đấng Cứu Rỗi, Chiên Con của Đức Chúa Trời, và Đấng cất tội lỗi thế gian đi (Giăng 1:6-7, 29). Do đó đến đúng kỳ, Đức Chúa Trời đã nhậm lời cầu xin của Xa-cha-ri mà ban cho vợ chồng ông một đứa con trai, dù tuổi tác và thể chất đã là bất khả kháng cho họ (Luca 1). Đức Chúa Trời ban luôn tên cho đứa trẻ gọi là “Giăng” và được đầy dẫy Thánh Linh ngay từ trong lòng mẹ. Điều này không hề mang ý nghĩa rằng Đức Chúa Trời ép buộc Giăng phải sống theo ý muốn của Đức Chúa Trời mà loại trừ ý chí tự do của ông. Điều này chỉ nói lên sự kêu gọi của Đức Chúa Trời dành cho Giăng ngay khi từ ông còn trong lòng mẹ. Và ơn phước dồi dào của Đức Chúa Trời dành cho Giăng để ông có thể thi hành ý muốn của Đức Chúa Trời.

Giăng ẩn mình trong đồng vắng khoảng 30 năm cho đến khi Đức Chúa Trời kêu gọi ông lộ diện để thi hành chức vụ (Luca 3:2). Điều này cho thấy ông chọn sống theo sự kêu gọi của Đức Chúa Trời để chuẩn bị cho chức vụ của mình ngần ấy năm. Dầu vậy, Giăng vẫn không phải là người hoàn hảo, “Chính tôi cần phải chịu Ngài làm phép báp-têm…” (Mat 3:14). Ông thừa nhận trước Đức Chúa Jêsus rằng mình là người có tội. Tuy nhiên, sự bất toàn không hề giữ chân ông khỏi sự hầu việc và chuẩn bị tốt nhất cho công việc của Đức Chúa Trời. Điều này được nhìn thấy qua đời sống của ông mà Kinh Thánh ghi chép về cách ông ăn ở. “Giăng mặc áo bằng lông lạc-đà, buộc dây lưng bằng da; ăn, thì những châu chấu và mật ong rừng.” (Mat 3:4). Giăng là sứ giả đi trước dọn đường cho Chúa thì không thể khinh suất được. Do đó việc ông chọn một lối sống giản dị và tách biệt, cho thấy tính chất quan trọng của chức vụ của ông. Điều này làm cho dân chúng thời đó và chúng ta không thể không chú ý vào thông điệp mà ông đang rao giảng; “các ngươi phải ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần” (Mat 3:2). Với lối sống như vậy, Giăng đã cho thấy thông điệp mà ông rao giảng thật sự quan trọng và cấp bách dường nào! Khi Chúa đến thì không còn gì quan trọng hơn là một tấm lòng sẵn sàng, đã được dọn sạch sẽ. Điều này dẫn mọi người hướng về Đấng mà ông đang dọn đường cho.

B.    Nước Thiên Đàng

Giăng đến giảng đạo cho dân Y-sơ-ra-ên với thông điệp là nước thiên đàng đã đến gần. Cả Lu-ca và Mác thì dùng cụm từ “nước Đức Chúa Trời.” Do đó hai cách gọi này đều đồng nghĩa như nhau chỉ về vương quyền và vương quốc của Đức Chúa Trời đang đến gần.

1.     Nước Đức Chúa Trời Thuộc Thể

Nước Đức Chúa Trời luôn luôn tồn tại dù nói theo nghĩa nào; vương quyền hay vương quốc, thuộc thể hay thuộc linh. Do đó loài người luôn ở trong vương quốc của Đức Chúa Trời và ở dưới vương quyền của Ngài theo nghĩa thuộc thể. Vì Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa và Loài Người là vật thọ tạo. Chúng ta dù muốn dù không vẫn đang ở dưới vương quyền và ở trong vương quốc (vũ trụ) của Ngài.

Đối với dân Y-sơ-ra-ên dầu là tuyển dân của Đức Chúa Trời, nhưng đến thời điểm này thì điều đó không còn quan trọng nữa. Hãy suy ngẫm kỹ các câu Kinh Thánh sau đây:

Vậy, bây giờ, nếu các ngươi vâng lời ta và giữ sự giao ước ta, thì trong muôn dân, các ngươi sẽ thuộc riêng về ta, vì cả thế gian đều thuộc về ta. 6 Các ngươi sẽ thành một nước thầy tế lễ, cùng một dân tộc thánh cho ta… (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5-6)

Vả, trong những lời nầy thật có ý trách, là lời Đức Chúa Trời phán cùng dân Giu-đa rằng: Chúa phán: kìa, nhựt kỳ đến, Khi đó ta sẽ cùng nhà Y-sơ-ra-ên và nhà Giu-đa lập một ước mới, 9 Không phải như ước ta đã lập với tổ tiên chúng nó, Trong ngày ta cầm tay họ dẫn ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Vì họ không bền giữ lời ước ta, Nên ta không đoái xem họ, ấy là lời Chúa phán. 10 Chúa lại phán: Nầy là lời ước mà ta sẽ lập với nhà Y-sơ-ra-ên Sau những ngày đó: Ta sẽ để luật pháp ta trong trí họ Và ghi tạc vào lòng; Ta sẽ làm Đức Chúa Trời họ, Họ sẽ làm dân ta. 11 Trong vòng họ sẽ chẳng có ai dạy bảo công dân mình Và anh em mình, rằng: Hãy nhìn biết Chúa; Vì hết thảy trong vòng họ, Từ kẻ rất nhỏ cho đến kẻ rất lớn đều sẽ biết ta, 12 Nhân ta sẽ tha sự gian ác của họ, Và không nhớ đến tội lỗi họ nữa. 13 Gọi ước đó là mới, thì đã xưng ước trước là cũ; vả, điều chi đã cũ đã già, thì gần tiêu mất đi. (Hê-bơ-rơ 8:8-13)

Như trên cho thấy dân Y-sơ-ra-ên đã đến lúc không còn là tuyển dân cũng như nước Đức Chúa Trời theo nghĩa thuộc thể nữa vì họ đã bội ước của Đức Chúa Trời.

Do đó một giao ước mới đang đến, đồng nghĩa một vương quyền và vương quốc mới đang tới. Lưu ý rằng trong giao ước mới có sự tha thứ tội lỗi mà Đức Chúa Trời nói rằng: “Nhân ta sẽ tha sự gian ác của họ, Và không nhớ đến tội lỗi họ nữa.” Vì vậy điều kiện bất thành văn ở đây là để trở nên ứng cử viên sáng giá cho giao ước mới, thì đầu tiên phải là người  tội! Từ đó cho thấy không lạ gì khi thông điệp được rao bởi Giăng lẫn Đức Chúa Jêsus: “kỳ đã trọn nước Đức Chúa Trời đã đến gần; các người hãy ăn năn và tin đạo tin lành.” (Mác 1:15; Mat 3:2; 4:17).

2.     Nước Đức Chúa Trời Thuộc Linh

Giăng cho chúng ta thấy vương quyền của Đức Chúa Trời đã đến gần và yêu cầu dân chúng chuẩn bị cho sự xuất hiện của vương quyền này. Do đó vương quyền và vương quốc này là thuộc linh. Bởi trong vương quốc thuộc linh đang đến này không hề có bất kỳ mối quan hệ dựa trên huyết thống nào.

Người Y-sơ-ra-ên không thể tự phụ vào mối quan hệ huyết thống với Áp-ra-ham để có mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Giăng đã bác mối quan hệ huyết thống này khi ông nói “đừng tự khoe rằng Áp-ra-ham là tổ chúng ta… Đức Chúa Trời có thể khiến đá này sanh ra con cái cho Áp-ra-ham được.”

Do đó để vào nước Đức Chúa Trời. Trước hết nhận biết mình là tội nhân và ăn ăn mà chào đón vị vua đang đến là Đức Chúa Jêsus đối với dân Y-sơ-ra-ên.

Sứ Đồ Ma-thi-ơ đã cho chúng ta thấy Đức Chúa Jêsus là Đấng đang nắm giữ vương quyền mà Đức Chúa Trời sẽ trao khi ông gọi Ngài là Đấng Christ, Vua, Đấng Cứu Rỗi…

C.    Công Dân Xứng Đáng Cho Nước Thiên Đàng

Để dân chúng có thể chào đón Đấng Christ, họ cần phải dọn dẹp tấm lòng của mình. Lời tiên tri nói rằng “ban bằng các nẻo Ngài.” Do đó người có lòng đồi núi hay tự cao sẽ phải được ban bằng. Người có lòng trũng thấp, tự ti, phải được nâng lên. Điều này mang hình ảnh là người tự xưng công bình phải nhìn nhận sự không công bình của mình và người tuyệt vọng nghĩ rằng mình quá tội lỗi không xứng đáng với nước Đức Chúa Trời phải được cất lên cho bằng phẳng. Cả hai trường hợp đòi hỏi họ phải ăn năn để được tha tội.

Việc Giăng lên án người Pha-ri-si và Sa-đu-sê về sự kết quả xứng đáng với sự ăn năn, cho thấy không ai là người công bình trước mặt Đức Chúa Trời. Vì Giăng gọi họ là “dòng dõi rắn lục.” Thời bấy giờ đối với dân chúng, người Pha-ra-si được cho là rất công bình theo luật pháp. Chính sứ đồ Phao-lô khi chưa biết Chúa cũng tự hào về dòng Pha-ri-si. Dầu vậy, Giăng đã chỉ ra họ không đủ công bình trước mặt Đức Chúa Trời. Vậy tiếp cận Đức Chúa Trời bằng cách giữ trọn luật pháp Môi-se là điều không khả thi.

Đối với người bình thường và thậm chí “thấp-kém” như người thâu thuế và kỹ nữ. Thì hiển nhiên họ không có phương cách nào để tự cứu mình thoát khỏi tội. Còn dựa vào luật pháp Môi-se để được xưng công bình là điều không thể. Vì chính luật pháp đó đang lên án họ là người có tội. Xin lưu ý rằng luật pháp cũng đang lên án người Pha-ri-si là kẻ có tội. Nhưng người Pha-ri-si không nghĩ như vậy và dân chúng nghĩ về họ cũng như thế.

Giăng đã loại hết tất cả các phương cách mà con người có thể nghĩ ra để tiếp cận với nước Đức Chúa Trời. Vì giờ đây họ không thể nương cậy vào luật pháp Môi-se để được ở dưới vương quyền đang đến này. Nếu họ muốn được ở trong vương quốc Đức Chúa Trời thì phải vâng theo điều kiện mà Giăng đang giảng ra tức là chịu báp-têm cho sự ăn năn của mình.

Do đó một người ăn năn phải có kết quả xứng đáng với sự trị vì của nước Đức Chúa Trời. Điều này cho thấy phải luôn có thái độ và tấm lòng ăn năn luôn luôn hầu cho đời sống có thể phản ánh được sự ăn năn trong lòng.

D.    Ngày Phán Xét

Giăng cho chúng ta thấy cơn giận của Đức Chúa Trời sẽ đổ ra vào “ngày sau.” Giăng tuyên bố sự phán xét đã bắt đầu từ gốc rễ của mọi cây. Nếu bất kỳ cây nào không kết quả sẽ bị đốn và chụm. Hình ảnh ở đây không phải là sự tỉa sửa mà là đốn hạ một cây tận gốc rễ. Đồng nghĩa cây nào bị đốn tận gốc rễ sẽ không thể tiếp tục tồn tại. Điều này tuyên bố hiện trạng của loài người là trên bờ vực bị thiêu rụi hoàn toàn từ rễ tới ngọn. Loài người đối mặt với tin dữ mà không hề có phương cách riêng nào có thể trở mình được, kể cả người Pha-ri-si.

Việc Giăng được sai đến bởi Đức Chúa Trời để chuẩn bị cho Đức Chúa Jêsus Christ càng khẳng định và nhấn mạnh hiện trạng của loài người. Nếu người Pha-ri-si trong mắt mọi người là công bình mà còn bị đốn bởi Đức Chúa Trời thì còn có ai có thể được cứu nữa ư! Nếu tuyển dân của Đức Chúa Trời không ăn năn thì sẽ bị đốn hạ thì còn dân tộc nào được cứu bởi sự công bình riêng của mình.

Dù thông điệp về ngày phán xét đanh thép đến mức nào thì chúng ta cũng thấy được tình yêu thương sâu nhiệm của Đức Chúa Trời là dường bao, khi Ngài cho con một của mình là Đức Chúa Jêsus Christ xuống thế gian này để cứu chuộc chúng ta. Ngài không hề muốn chặt bất kỳ rễ cây nào cả. Mà hơn nữa là Ngài muốn mọi rễ cây đều được sống mà trở nên sai trái công bình cho vương quốc đang đến của Ngài.

II.          Lời Chứng Của Đức Chúa Trời Và Giăng Về Đấng Christ

A.    Lời Chứng Của Giăng

Nếu Giăng là người dọn đường cho Chúa, vậy thì Đấng Christ là Chúa. Điều này đồng nghĩa Đức Chúa Jêsus Christ là Đức Chúa Trời. Vì theo lời tiên tri trong Ê-sai 40:3 người dọn đường là dọn cho Đức Giê-hô-va. Do đó nếu Giăng dọn đường cho Đức Chúa Jêsus Christ thì đồng nghĩa Ngài là Đức Giê-hô-va.

Việc Giăng từ chối làm phép báp-têm cho Đức Chúa Jêsus và yêu cầu Ngài đáng lý phải làm cho ông, cho thấy Đức Chúa Jêsus Christ là đấng vô tội. Ngay cả Giăng còn xưng mình là người có tội và làm chứng về Đức Chúa Jêsus Christ là đấng vô tội.

Giăng cũng làm chứng về Đức Chúa Jêsus Christ rằng Ngài là đấng cứu rỗi và đấng phán xét.

B.    Lời Chứng Của Đức Chúa Trời

Đức Chúa Trời làm chứng về con Ngài thông qua Giăng. Nhưng Ngài cũng làm chứng về con Ngài khi Đức Chúa Jêsus Christ làm trọn mọi sự công bình. Đức Chúa Trời phán “nầy là…” cho thấy loài người không ai có thể làm vừa lòng Đức Chúa Trời một cách tuyệt đối. Đồng nghĩa không ai là vô tội trước mặt Đức Chúa Trời ngoại trừ con Ngài. Đức Thánh Linh ngự xuống Đức Chúa Jêsus Christ như hình chim bồ câu như là ấn chứng từ Đức Chúa Trời trên Đức Chúa Jêsus Christ.

III.          Kết Luận

Loài người đứng trước nguy cơ bị đốn và chụm trừ khi họ chọn ăn năn. Chúng ta phải dọn tấm lòng cho Đức Chúa Jêsus Christ. Không ai có thể đứng nổi trước sự phán xét của Đức Chúa Trời.

Sự ăn năn là một quá trình lâu dài phản ánh qua đời sống dưới sự trị vì của Đức Chúa Jêsus Christ. Nó không phải là một hành động duy nhất xảy ra một lần.

Đức Chúa Jêsus Christ là đấng cứu rỗi và đấng đoán xét. Chúng ta phải kết quả xứng đáng với sự trị vì của Ngài. Bằng không chúng ta sẽ bị đốn và chụm.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Dàn Bài
Scroll to Top