Làm Sao Để Có Sự Kính Sợ Đức Chúa Trời?

Tác Giả: Trần Hồng Ân

Chúng ta đã nhận biết sự kính sợ là gì về mặt khái niệm và các mối quan hệ với nó. Trong bài học này chúng ta sẽ tiếp tục đào sâu về mối quan hệ của sự nhận thức và sự lựa chọn đối với nỗi sợ. Chúng ta cũng sẽ khảo sát sự kính sợ Đức Chúa Trời và kinh sợ con người có gì khác biệt, và đâu là ưu và khuyết của hai sự lựa chọn này.

I.         Sự Nhận Thức & Sự Lựa Chọn

Vốn dĩ sợ hãi đã có sẳn trong con người rồi. Nó là một điều tự nhiên. Nhưng chúng ta cần biết cách vận dụng nó. Vì chúng ta có thể làm cho nó biến mất bởi thói quen của chúng ta hoặc sự nhận thức của mình.

A.    Sự Nhận Thức Chi Phối Nỗi Sợ

Sự nhận thức là chìa khóa cho việc kiểm soát nỗi sợ của chúng ta. Chúng ta có thể “biết” sợ cái này hoặc không “biết” sợ cái kia. Do đó nỗi sợ có thể được dạy thông qua sự nhận thức. Mức độ sợ của chúng ta sẽ tùy thuộc vào sự nhận biết. Để “có” nỗi sợ thì không còn cách nào khác hơn là nhận biết.

Dân Y-sơ-ra-ên thấy việc lớn lao mà Ðức Giê-hô-va đã làm cho người Ê-díp-tô, nên kính sợ Ngài, tin Ngài và Môi-se, là tôi tớ Ngài. (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:31)

Đừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn; nhưng thà sợ Đấng làm cho mất được linh hồn và thân thể trong địa ngục. (Ma-thi-ơ 10:28)

Cả hai câu Kinh Thánh trên cho thấy rằng để sợ ai đó sẽ phụ thuộc về việc nhận thức năng lực của chúng ta so với người đó. Tại sao chúng ta sợ Đức Chúa Trời hay con người? Vì cớ chúng ta biết được khả năng mà họ có thể làm. Vì vậy chúng ta càng hiểu biết nhiều về Đức Chúa Trời chừng nào thì chúng ta càng kính sợ Ngài chừng nấy. Tuy nhiên, không phải có sự nhận thức càng nhiều sẽ tỉ lệ thuận với nỗi sợ.

B.    Sự Lựa Chọn Chi Phối Nỗi Sợ

Nếu nhìn ra mọi vật xung quanh, chúng ta không thể không kinh ngạc trước sức mạnh vô đối của Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên mọi thứ. Nếu sự nhận biết của chúng ta về Ngài gia tăng thì đáng lý ra chúng ta sẽ kính và kinh sợ Ngài nhiều hơn. Nhưng hai dẫn chứng sau đây sẽ cho thấy sự lựa chọn chi phối nỗi sợ. Nói cách khác chúng ta có thể chọn không sợ.

1.      Pha-ra-ôn

Hãy xem Xuất Ê-díp-tô ký 1-14.

Pha-ra-ôn đã chọn không để tâm lời Đức Chúa Trời (7:23). Cho nên dù Môi-se có làm gì đi nữa và Đức Chúa Trời có giáng tai họa ở mức độ nào thì ông cũng không thể mềm lòng trước sức mạnh lớn của Ngài. Dầu mọi việc được chứng kiến tận mắt và Đức Chúa Trời phân biệt dân của Ngài và của ông, thì ông vẫn không chịu kính sợ Đức Chúa Trời (9:30). Điều này cho thấy sự nhận biết năng lực của Đức Chúa Trời có thể chi phối sự sợ của chúng ta như trong trường có một số người dân Ê-díp-tô kính sợ lời Đức Chúa Trời (9:20). Nhưng sự nhận thức không phải là mấu chốt tiên quyết. Vì sự lựa chọn mới là yếu tố then chốt. Do đó chúng ta không thể loại sự nhận thức ra khỏi nỗi sợ. Nhưng những gì chúng ta chọn dựa trên sự nhận thức đó mới tạo nên điểm khác biệt hay đột phá.

2.      Thầy Thông Giáo, Người Pha-ri-si, Và Thầy Tế Lễ

Hãy xem bốn sách Tin Lành.

Trong cuộc đời của Đức Chúa Jêsus Christ, chúng ta thấy năng lực của Ngài minh chứng cho thần tánh của Ngài. Đức Chúa Jêsus vượt xa những gì mà các Đấng Tiên Tri trong Cựu Ước từng được ghi chép về quyền năng và phép lạ.

Khi chúng ta đứng trước Ngài sẽ không khỏi kinh ngạc trước những gì Ngài có thể làm và những gì Ngài tuyên bố. Trong Giăng 11 Chúa tuyên bố với Ma-thê rằng Ngài là “sự sống lại và là sự sống.” Chúa chứng minh năng lực bằng cách làm cho La-xa-rơ sống lại. Hãy suy nghĩ, với một người có khả năng vượt trội như vậy nắm trong tay quyền khiến sống và chết (Chúa rủa sả cây vả). Chúng ta lẽ nào không kinhkính sợ Ngài sao. Chúng ta nên như vậy.

Dầu vậy chúng ta thấy những người chứng kiến việc làm của Đức Chúa Jêsus Christ lại chọn không tin Ngài. Họ biết năng lực Ngài, nhưng vẫn chọn tìm cách giết Ngài. Hãy chú ý đến sự nhận thức của người Pha-ri-si. Do đó chúng ta thấy rằng; nhận thức là quan trọng; sự lựa chọn vẫn nắm quyền kiểm soát. Sự sợ vẫn có thể bị lấn át bởi sự lựa chọn của chúng ta.

II.         Chúng Ta Nên Sợ Điều Nào

Hỡi những kẻ rất yêu dấu của tôi, chúng ta đã có lời hứa dường ấy, thì hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ bẩn phần xác thịt và phần thần linh, lại lấy sự kính sợ Đức Chúa Trời mà làm cho trọn việc nên thánh của chúng ta. (2 Cô-rinh-tô 7:1)

Vậy chúng tôi biết Chúa đáng kính sợ, nên tìm cách làm cho người ta đều tin; Đức Chúa Trời biết chúng tôi, và tôi mong anh em cũng biết chúng tôi trong lương tâm mình. (2 Cô-rinh-tô 5:11)

Cả hai câu Kinh Thánh trên cho chúng ta thấy loài người có thể chọn không kính sợ Đức Chúa Trời, mặc cho năng lực tối thượng của Ngài có đến đâu đi chăng nữa. Kinh Thánh dạy chúng ta biết kính sợ Chúa thông qua sự nhận thức của chúng ta. Dầu vậy chúng ta cần biết rằng dù đúng hay sai, tốt hay xấu, thích hay không thích, chúng ta không thể loại bỏ sự sợ ra khỏi chúng ta. Nó như dòng nước chảy, mình không thể ngăn không cho nước chảy được. Mình chỉ có thể định hướngthay đổi hướng của dòng chảy.

Cũng như trên trong Giăng 11:48 cho thấy dầu các thầy tế lễ không sợ Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jêsus Christ, thì họ vẫn sợ thứ khác, đó là con người. Trong trường hợp này họ sợ người Rôma sẽ đến và diệt họ. Bởi vì lý do này mà chúng ta thấy rằng tốt nhất mình phải có phương sách để tận dụng sự sợ để đạt kết quả có lợi nhất.

A.    Sợ Loài Người?

Như trên có dẫn rằng con người chỉ có thể giết chúng ta mà thôi. Đó là điều cuối cùng và duy nhất mà họ có thể đạt được, đó là động chạm vào thân xác chúng ta.

Theo nghĩa tiêu cực thì sự tra tấn, khổ hình, và nhiều điều tương tự đã được thực hiện trong lịch sử loài người để chi phối nỗi sợ của loài người. Vì cớ nó có hiệu quả nhất định để chi phối nỗi sợ của con người nhằm tôn cao vị trí cai trị và trừng phạt.

Nếu đời sống của loài người chỉ có khía cạnh thuộc thể thôi, thì chúng ta nên sợ tư tưởng, “thắng làm vua, thua làm giặc.” Vì những kẻ mạnh có thể ảnh hưởng chí mạng đến chúng ta. Nhưng Kinh Thánh dạy chúng ta biết rằng mình có linh hồn. Và linh lồn sẽ chịu hình phạt hay được ban thưởng đời đời (Ma-thi-ơ 25).

Dầu vậy không phải ai đứng trước những nghịch cảnh đó cũng đều chịu khuất phục loài người (Hơ-bơ-rơ 11:36-37). Họ thật sự không để cho người khác chi phối nỗi sợ của mình để chịu phục. Làm sao họ làm được như vậy?

B.    Sợ Đức Chúa Trời?

Đức Chúa Jêsus Christ chỉ ra cho chúng ta thấy rằng khả năng của Đức Chúa Trời đáng sợ hơn. Vì thứ nhất Ngài có quyền sinh sát sự sống thuộc thể của chúng ta. Thứ hai quyền đó không bị giới hạn ở mức thuộc thể mà còn mở rộng đến phần thuộc linh của chúng ta.

Việc nhận biết và đánh giá rõ việc xây tháp hay ra trận của chúng ta sẽ giúp chúng ta có cái nhìn khách quan và chân thật về việc sợ Đức Chúa Trời hay con người (Lu-ca 14:28-32).

III.         Kết Luận

Việc nhận thức chi phối nỗi sợ của chúng ta. Nhưng sự lựa chọn là yếu tố quyết định.

Việc chọn sợ ai là do quyết định của từng người. Nhưng trước khi chọn hãy đánh giá thật kỹ hậu quả và kết quả sự sợ của mình.

Như vậy, vì chúng ta có phần trong một nước không hay rúng-động, nên hãy cảm ơn, hầu cho lấy lòng kính-sợ hầu việc Đức Chúa Trời một cách đẹp lòng Ngài; vì Đức Chúa Trời chúng ta là đám lửa hay thiêu-đốt. Hê-bơ-rơ 12:28-29.

Có Thể Bạn Quan Tâm!

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top
Dàn Bài