Đức Chúa Trời Tôi Ơi Sao Ngài Lìa Bỏ Tôi? Ma-thi-ơ 27:46

Trong bài học này chúng ta sẽ cùng nhau nhận biết câu nói của Chúa Jêsus khi Ngài đang ở trên cây thập tự. Có phải Ngài đang trách Đức Chúa Trời, hay ẩn ý đằng sau câu nói này chứa đựng hàm ý khác? Việc nhận biết rõ điều này không chỉ giúp chúng ta thấu hiểu những gì đang diễn ra với Chúa, nhưng cũng giúp ích cho đức tin và lòng kính sợ Chúa của chúng ta. 

Phần đông chúng ta không biết rằng Chúa Jêsus cất tiếng kêu rằng, “Ê-li, Ê-li, lam-ma-sa-bách-ta-ni? nghĩa là: Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?” Câu nói này là trích dẫn một phần trong Thi Thiên 22. Vậy hãy xem đoạn Thi Thiên này có ý nghĩa là gì?

Sao Ngài Lìa Bỏ Tôi? 1-2

1 Ðức Chúa Trời tôi ôi! Ðức Chúa Trời tôi ôi! sao Ngài lìa bỏ tôi? Nhơn sao Ngài đứng xa, không giúp đỡ tôi, và chẳng nghe lời rên siết tôi? 2 Ðức Chúa Trời tôi ôi! tôi kêu cầu ban ngày, nhưng Chúa chẳng đáp lại; Ban đêm cũng vậy, song tôi nào có được an nghỉ đâu (Thi Thiên 22:1-2)

Đa-vít kêu cầu cùng Đức Chúa Trời mà dường như ông không nhận được hồi đáp. Ông cho thấy sự cầu nguyện của ông là cả ngày lẫn đêm. Cho nên ông cất tiếng hỏi Ngài. Liệu rằng đây là câu hỏi thể hiện sự oán trách, hồ nghi, và bất bình? Hay nó có thái độ nào khác đằng sau?

Về phía con người chúng ta câu nói này có thể diễn đạt theo hai cách tiêu cực và tích cực.

  • Chúa ơi con chịu hết nổi rồi, xin mau đến cứu con!
  • Hay thật sự là một lời oán trách.

Tổ Phụ Không Bị Hổ Thẹn Khi Nhờ Cậy Chúa 3-5

3 Còn Chúa là thánh, Ngài là Ðấng ngự giữa sự khen ngợi của Y-sơ-ra-ên. 4 Tổ phụ chúng tôi nhờ cậy nơi Chúa, Họ nhờ cậy Chúa bèn giải cứu cho. 5 Họ kêu cầu cùng Chúa, và được giải cứu; Họ nhờ cậy nơi Chúa, không bị hổ thẹn. (Thi Thiên 22:3-5)

Ông ghi nhớ những Chúa đã làm trong quá khứ cho các tổ phụ đã tin cậy nơi ngài. Chúa đã không để họ bị hổ thẹn. Ngược lại Ngài còn giải cứu họ khi họ kêu cầu cùng ngài. Đại ý là những người kêu cầu Chúa đã không bị hổ thẹn.

Việc nhận biết Đức Chúa Trời đã làm những gì trong quá khứ với những người đi trước chúng ta có giá trị giúp cho đức tin của chúng ta được lớn mạnh. Việc này cũng giúp định hình và khích lệ hiện tại của chúng ta. Vì chúng ta sẽ bắt chước đức tin của người đi trước mà chờ đợi sự hồi âm của Đức Chúa Trời về lời cầu xin của chúng ta. 

Sự Nhạo Báng Của Kẻ Lân Cận 6-8

6 Nhưng tôi là một con trùng, chớ chẳng phải người đâu, Là điều ô nhục của loài người, và vật khinh dể của dân sự. 7 Hễ kẻ nào thấy tôi đều nhạo cười tôi. Trề môi, lắc đầu, mà rằng: 8 Người phú thác mình cho Ðức Giê-hô-va, Ngài khá giải cứu người; Ngài khá giải cứu người, vì Ngài yêu mến người! (Thi Thiên 22:6-8)

Ông nêu lên hiện trạng bị nhạo báng bởi những kẻ coi thường sự nhờ cậy Chúa của ông. Họ cũng nhạo báng luôn cả Chúa là đấng mà ông kêu cầu. Vì nếu Chúa yêu mến ông thì chắc sẽ nhậm lời kêu cầu của ông.

Chúng ta thấy rằng người nào nương cậy nơi Chúa đều bị nhạo báng. Trường hợp của dân Y-sơ-ra-ên đối mặt cùng Gô-li-át chẳng hạn, hay chính Đức Chúa Jêsus cũng đang bị nhạo báng.

Đấng Tạo Hóa Của Tôi 9-10

9 Phải, ấy là Chúa rút tôi khỏi lòng mẹ, Khiến tôi tin cậy khi nằm trên vú của mẹ tôi. 10 Từ trong tử cung tôi đã được giao cho Chúa; Chúa là Ðức Chúa Trời tôi từ khi tôi lọt lòng mẹ. (Thi Thiên 22:9-10)

Ông nhận biết Đức Chúa Trời đã tạo nên ông. Bởi thế nên lòng tin cậy của ông được hình thành ngay từ lúc lọt lòng mẹ. Ông xưng nhận Đấng Tạo Hóa là Đức Chúa Trời của mình. Ông nhận biết sự chăm sóc và nuôi dưỡng của Chúa ngay từ lúc ông còn trong lòng mẹ.

Việc nhận biết này của tác giả là rất quan trọng vì nó định hình đức tin và sự nhận thức của ông. Nếu Chúa đã sinh chúng ta ra trên thế gian này, và đương khi chúng ta chưa phân biệt được tay tả hay tay hữu mà Chúa còn nuôi nấng, săn sóc, bảo vệ, thì làm sao bây giờ trưởng thành rồi chúng ta lại nghĩ rằng Chúa quên hay không còn chăm sóc chúng ta nữa sao? Lẽ nào chúng ta nghĩ Chúa cũng như cha mẹ chúng sẽ không còn sức lực để bảo vệ chúng ta tỉ lệ thuận với sự trưởng thành của chúng ta sao?

3 Hỡi nhà Gia-cốp, và hết thảy các ngươi là dân sót của nhà Y-sơ-ra-ên, hãy nghe ta, ta đã gánh vác các ngươi từ lúc mới sanh, bồng-ẵm các ngươi từ trong lòng mẹ. 4 Cho đến chừng các ngươi già cả, đầu râu tóc bạc, ta cũng sẽ bồng-ẵm các ngươi. Ta đã làm ra, thì sẽ còn gánh vác các ngươi nữa. Ta sẽ bồng ẵm và giải cứu các ngươi. (Ê-sai 46:3-4)

Lòng Nương Cậy Nơi Sự Cứu Rỗi Của Đức Chúa Trời 11-21

11 Xin chớ đứng xa tôi, vì sự gian truân hầu gần, Chẳng có ai tiếp cứu cho. 12 Có nhiều bò đực bao quanh tôi, Những bò đực hung mạnh của Ba-san vây phủ tôi. 13 Chúng nó hả miệng ra cùng tôi, Khác nào sư tử hay cắn xé và gầm hét. 14 Tôi bị đổ ra như nước, Các xương cốt tôi đều rời rã; Trái tim tôi như sáp, Tan ra trong mình tôi. 15 Sức lực tôi khô như miếng gốm, Và lưỡi tôi dính nơi ổ gà; Chúa đã để tôi nằm trong bụi tro sự chết. 16 Vì những chó bao quanh tôi, Một lũ hung ác vây phủ tôi; Chúng nó đâm lủng tay và chân tôi; 17 Tôi đếm được các xương tôi. Chúng nó xem và ngó chơn tôi; 18 Chúng nó chia nhau áo xống tôi, Bắt thăm về áo dài tôi. 19 Ðức Giê-hô-va ôi! chớ đứng xa tôi; Hỡi Ðấng cứu tiếp tôi ôi! hãy mau mau đến giúp đỡ tôi. 20 Hãy giải cứu linh hồn tôi khỏi gươm, Và mạng sống tôi khỏi loài chó. 21 Hãy cứu tôi khỏi họng sư tử, Từ các sừng của trâu rừng, Chúa đã nhậm lời tôi. (Thi Thiên 22:11-21)

Đa-vít thật đang nói tiên trì về sự đau đớn của Đấng Christ trên thập tự giá. Dầu vậy hiện trạng của ông cũng không khác gì Đấng Christ. Ông cất tiếng trình bày duyên cớ mình và sự nguy kịch của mình. Vì vây bủa bốn phía ông là kẻ thù, và ông không còn có sức lực để chống chọi với kẻ thù mình, ngoại trừ sự nương cậy nơi Chúa.

Hãy nhận biết đức tin của Đa-vít cũng như Đấng Christ. Dù chúng ta không còn sức lực nào để chống chọi, nhưng hãy để chúng ta không bao giờ tiêu hao sức lực nương cậy nơi Đức Chúa Trời. Nói cách khác, dù chúng ta đánh mất bất kỳ thứ gì đi chăng nữa, cũng đừng đánh mất sự tin cậy nơi Ch. Vì Chúa là cứu cánh của chúng ta.

Chúng ta thấy rằng đến lúc này mà tác giả vẫn không thôi nương cậy nơi Chúa, mà vẫn tiếp tục kêu cầu và nương cậy nơi Ngài. Ông vẫn ghi nhớ những việc Chúa làm cho các tổ phụ và chính ông. Do đó, chúng ta thấy mở đầu đoạn Thi Thiên này không phải là sự oán thán và than phiền về việc Chúa chưa nhậm lời cầu xin. Tác giả vẫn tin rằng Chúa nhậm lời cầu xin mình.

Sự Ngợi Khen Đức Chúa Trời 22-31

22 Tôi sẽ rao truyền danh Chúa cho anh em tôi, Và ngợi khen Chúa giữa hội chúng. 23 Hỡi các người kính sợ Ðức Giê-hô-va, hãy ngợi khen Ngài; Ớ hết thảy dòng dõi Y-sơ-ra-ên, hãy kính sợ Ngài; 24 Vì Ngài không khinh bỉ, chẳng gớm ghiếc sự hoạn nạn của kẻ khốn khổ, Cũng không giấu mặt Ngài cùng người; Nhưng khi người kêu cầu cùng Ngài, thì bèn nhậm lời. 25 Sự ngợi khen của tôi tại giữa hội lớn do Chúa mà ra; Tôi sẽ trả xong sự hứa nguyện tôi trước mặt những kẻ kính sợ Chúa. 26 Kẻ hiền từ sẽ ăn và được no nê; Những người tìm Ðức Giê-hô-va sẽ ngợi khen Ngài; Nguyện lòng các ngươi được sống đời đời. 27 Bốn phương thế gian sẽ nhớ và trở lại cùng Ðức Giê-hô-va; Các họ hàng muôn dân sự thờ lạy trước mặt Ngài. 28 Vì nước thuộc về Ðức Giê-hô-va, Ngài cai trị trên muôn dân. 29 Hết thảy người giàu có thế gian cũng sẽ ăn và thờ lạy; Mọi kẻ trở lại bụi đất, và những kẻ không thế bảo tồn mạng sống mình, Sẽ quì xuống trước mặt Ngài. 30 Một dòng dõi sẽ hầu việc Ngài; Người ta sẽ kể dòng dõi ấy là dòng dõi của Chúa. 31 Dòng dõi ấy sẽ đến rao truyền sự công bình của Ngài, Thuật cho dân tộc sẽ sanh ra rằng Ðức Giê-hô-va đã làm việc ấy. (Thi Thiên 22:22-31)

Đa-vít ngợi khen Chúa vì những lý do sau đây:

  • Chúa không khinh bỉ, gớm ghiếc sự hoạn nạn của kẻ khốn khổ.
  • Ngài không dấu mặt mình.
  • Ngài nhậm lời cầu xin.
  • Vương quyền và vương quốc đều thuộc về Chúa.

Do đó, ông đã rao truyền danh của Chúa cho anh em mình và mọi người. Ông cũng kêu gọi mọi người ngợi khen Chúa và thờ lạy Ngài. Mọi người kính sợ Chúa hãy hát tôn vinh Chúa.

Đức Chúa Trời luôn chăm sóc và bên vực duyên cớ những người kính sợ ngài. Do đó, việc thờ lạy, tôn vinh, và rao truyền danh của Ngài là hành động bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với Ngài.

Nếu Chúa luôn làm những gì Ngài đã làm từ khi chúng ta còn trong lòng mẹ. Lẽ nào chúng ta lại muốn sống một đời sống vô ơn mà không hầu việc, thờ lạy, và rao truyền sự nhân từ của Ngài sao?

Kết Luận

Chúng ta học được điều gì từ lời nói của Chúa Jêsus trên thập tự giá và đoạn Thi Thiên này?

Chúa Jêsus không hề thôi tin cậy Đức Chúa Trời, và Đa-vít cũng vậy. Còn chúng ta thì sao?

Lời cầu nguyện và đức tin dựa trên sự nhận biết về năng lực của Đức Chúa Trời trong quá khứ cũng như hiện tại. Nếu thiếu đi sự nhận biết, đức tin sẽ không hiện hữu trong sự cầu nguyện. Chúng ta sẽ thôi nương cậy nơi Chúa khi áp lực gia tăng cực điểm nếu thiếu sự nhận biết về Ngài.

Đừng phí sức giải cứu lấy mình, mà hãy phí sức lực đó để nhờ cậy Chúa. Chúng ta sẽ tìm lại được sức mình. Bằng không chúng ta sẽ mất cả hai.

Liệu bạn có sẵn lòng hay có thể nương cậy nơi Chúa chăng? Việc nương cậy vào Chúa sẽ khiến chúng ta oán thán ngài khi chưa được nhậm lời, hay nó khiến chúng ta dù còn một chút hơi tàn cũng để lòng tin cậy nơi Chúa chứ không oán trách ngài.

Có Thể Bạn Quan Tâm!

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top
Dàn Bài