photo of brown church

Công Việc Của Hội Thánh Bài 9

Tiếng Nói Của Lẽ Thật
Tiếng Nói Của Lẽ Thật
Công Việc Của Hội Thánh Bài 9
/

Tại sao Hội Thánh tồn tại? Mục đích của Hội Thánh là gì? Công việc của Hội Thánh là gì? Để biết được, chúng ta sẽ đi vào lời của Đức Chúa Trời.

Trước hết, chúng ta hãy quan sát rằng Hội Thánh không phải ở nơi công việc thế gian, mở và điều hành các trường học và bệnh viện thế gian. Mà cũng không phải là nằm trong việc phát hành và buôn bán sách vì mục đích lợi nhuận. Trong khi hết thảy những việc này có lẽ tốt, và mỗi cá nhân môn đồ Đấng Christ chắc chắn có quyền làm việc đó, nhưng việc đó đơn giản không phải là công việc của Hội Thánh. Càng ngày các tôn giáo trên thế giới đã tập trung vào những công việc như thế và vì vậy lại bước thêm một bước nữa xa rời khỏi kế hoạch của Kinh Thánh về mục đích của Đức Chúa Trời và công việc cho dân của Ngài.

1. Rao giảng tin lành. Đấng Christ dạy các Sứ Đồ, sau khi Ngài sống lại và vừa lúc trước khi Ngài thăng thiên, “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Ðức Cha, Ðức Con, và Ðức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” ( Ma-thi-ơ 28:19-20). “Ngài phán cùng các sứ đồ rằng: Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người. Ai tin và chịu phép báp-tem, sẽ được rỗi; nhưng ai chẳng tin, sẽ bị đoán phạt.” (Mác 16:15-16). Sau đó Phao-lô khích lệ người trẻ tuổi Timôthê “hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi.” (2 Ti-mô-thê 4:2). Nhiều câu khác có thể được đưa ra nhưng những điều này là căn bản chỉ ra ý muốn của Chúa cho tin lành được dạy dỗ.

Hội Thánh đã làm gì trong thời của các Sứ Đồ? Các thành viên đã làm những gì mà Chúa yêu cầu họ làm. Họ giảng lẽ thật. Sách Công Vụ Các Sứ Đồ, lấy ví dụ, thì tràn đầy những tấm gương như vậy. Trong tất cả những trường hợp của những người ăn năn, một người rao giảng luôn nằm bên phía dạy dỗ ý muốn của Chúa. Hãy đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 2, 8, 9, 10 và 16. Nhưng ai đã làm công việc rao giảng và dạy dỗ? Sau một cuộc bắt bớ lớn xảy đến cho dân của Chúa tại Giê-ru-sa-lem, được ghi rằng, “Vậy, những kẻ đã bị tan lạc đi từ nơi nầy đến nơi khác, truyền giảng đạo Tin Lành.“ (Công vụ các sứ đồ 8:4).

Kế tiếp, họ đã rao giảng điều gì? Một lần nữa, tất cả các bạn phải làm là đọc các trường hợp của những người ăn năn trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ và bạn sẽ nhìn thấy câu trả lời cho chính bạn. Nhưng ngắn gọn, họ dạy Đấng Christ đến từ trời, một người nên làm gì để được cứu, tầm quan trọng của Hội Thánh, những mục của sự thờ phượng, tầm quan trọng của đời sống tín đồ Đấng Christ … Phao-lô kết luận điều này bởi, “Bởi vì lời giảng về thập tự giá, thì những người hư mất cho là điên dại; song về phần chúng ta, là kẻ được cứu chuộc, thì cho là quyền phép của Ðức Chúa Trời.” (1Cô-rinh-tô 1:18).

Ngoài sự thật rằng Chúa ra lệnh cho lời của Ngài được rao giảng, Phao-lô nói rằng đức tin đến bởi sự nghe lời của Đức Chúa Trời (Rô-ma 10:17). Đấng Christ cũng phán rằng,” các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi.” (Giăng 8:32). Tiếp nữa, “Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao giảng, thì nghe làm sao?” (Rô-ma 10:14). Tất cả những điều này phải nói rằng con người bị hư mất (Rô-ma 3:23; 6:23), vậy tình yêu của Đức Chúa Trời phải được rao giảng (Rô-ma 5:18), bày tỏ rằng loài người có một Cứu Chúa (Giăng 3:16), và qua sự vâng phục Đức Chúa Trời con người phải được cứu khỏi tội lỗi của mình (Rô-ma 1:16-17; Mác 16:15-16). Những ai mà không nhận biết ý muốn của Đức Chúa Trời hay không vâng phục sẽ bị hư mất (2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:7-9). Vì thế lời của Đức Chúa Trời phải được rao giảng.

2. Giúp đỡ người khó khăn. Chúng ta có những tấm gương trong lời Chúa tỏ ra rằng Hội Thánh có quan tâm đến những người cần sự giúp đỡ, và họ đã được giúp khi Hội Thánh có khả năng làm như vậy. Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2:45 chúng ta đọc thấy “Bán hết gia tài điền sản mình mà phân phát cho nhau, tùy sự cần dùng của từng người.” Điều này dựa trên ý tự nguyện, và tất nhiên là như vậy. Nhưng trong Công Vụ Các Sứ Đồ 6 chúng ta đọc thấy một cuộc tranh cãi xảy ra giữa người Gờ-réc và người Hê-bơ-rơ bởi vì những quá phụ người Gờ-réc bị bỏ bê trong sự cấp phát hằng ngày. Vì vậy các Sứ Đồ đã gọi các môn đồ lại với nhau và chọn ra bảy người trong vòng họ để họ có thể được chỉ định để lo phần việc này của Hội Thánh.

Chúng ta đọc thấy Phao-lô đi đến thành Giê-ru-sa-lem để giúp đỡ những tín đồ khó khăn ở đó. Ông nói tiếp, “Vì người xứ Ma-xê-đoan và xứ A-chai vui lòng quyên tiền để giúp những thánh đồ ở thành Giê-ru-sa-lem đang nghèo túng.” (Rô-ma 15:26). Vậy Phao-lô viết cho các anh em tại thành Cô-rinh-tô, “Về việc góp tiền cho thánh đồ, thì anh em cũng hãy theo như tôi đã định liệu cho các Hội thánh xứ Ga-la-ti. Cứ ngày đầu tuần lễ. mỗi một người trong anh em khá tùy sức mình chắt lót được bao nhiêu thì để dành tại nhà mình, hầu cho khỏi đợi khi tôi đến rồi mới góp.” (1 Cô-rinh-tô 16:1-2).

Ai phải được giúp đỡ? Thông thường, trước hết là người nghèo trong Hội Thánh. Đó là, người khó khăn, người già cả, quá phụ, những trường hợp khẩn cấp, con mồ côi của các tín đồ Đấng Christ, … Chúng ta đọc thấy, “Vậy, đương lúc có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, nhứt là cho anh em chúng ta trong đức tin.” (Ga-la-ti 6:10). Nhưng không phải tất cả mọi người đều được giúp đỡ. Trong 1 Ti-mô-thê 5 chúng ta ghi nhận rằng một cá nhân cần phải được giúp đỡ thường xuyên chỉ khi người đó không có khả năng giúp chính mình, không có người nhà để có thể giúp đỡ, và người đó phải chứng minh được là một tín đồ Đấng Christ trung tín. Vậy tiền của Chúa phải được sử dụng một cách hợp lý, không phải giao cho bất cứ ai đòi hỏi.

Không chỉ là các thành viên của Hội Thánh mới được giúp đỡ nhưng tất cả người nào xứng đáng được giúp đỡ thì có thể được giúp, được cấp phát khi Hội Thánh có khả năng để giúp. Hãy đọc Gia-cơ 1:27 và Gia-cơ 2. Đây là phương thức đến với mọi người để rao giảng tin lành.

Nhưng số tiền để làm công việc này đến từ đâu? Chúng đến từ những thành viên, vì họ vui lòng dâng hiến (1 Cô-rinh-tô 16:1-2; 2 Cô-rinh-tô 9:6-7). Điều đó có nghĩa là nếu các môn đồ Đấng Christ không dâng hiến thì Hội Thánh không có khả năng cấp phát để giúp đỡ những ai đang cần.

3. Sự gây dựng Hội Thánh. Để gây dựng Hội Thánh có nghĩa là nâng đỡ, làm cho mạnh mẽ, khích lệ, giúp đỡ những thành viên của Hội Thánh lớn lên về mặt thuộc linh. Điều nào giúp cho Hội Thánh được gây dựng? Lời của Đức Chúa Trời, sự thông công, công việc thờ phượng, giúp đỡ lẫn nhau, các công việc lành, tình yêu thương, … hãy đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 9:31; Rô-ma 14:19; 1 Cô-rinh-tô 8:1; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:11; 1 Cô-rinh-tô 14:26; 2 Cô-rinh-tô 12:19 và Ê-phê-sô 4:12.

Trong sự kết luận, nhiều người ngạc nhiên làm thế nào mà Hội Thánh có thể làm được những việc này mà không có tổ chức quốc tế, không có một con người ở dưới đất làm đầu Hội Thánh, và cũng không có sự gây quỹ đặc biệt. Nhưng đường lối của Chúa là tốt nhất, chỉ có duy nhất một cách để làm công việc của Ngài. Đức Chúa Trời có thể được ngợi khen, tôn kính, và vinh hiển chỉ khi chúng ta làm theo ý muốn của Ngài và vì vậy làm trọn mục đích của chúng ta khi còn ở trên đất này. Đấng Christ là đầu của Hội Thánh và mỗi Hội Thánh, cũng như mỗi thành viên phải làm phần việc của mình. Vì vậy Hội Thánh có thể làm công việc của mình chỉ khi các thành viên dâng hiến tài sản của họ để công việc trở nên khả thi.

Việc rao giảng, giúp đỡ những người có nhu cầu, việc gây dựng những thành viên của Hội Thánh, tất cả là vì mục đích để cứu chuộc những linh hồn của con người, và đến phút cuối, Đức Chúa Trời được ngợi khen bởi tất cả mọi người. Hội Thánh không có công việc như kiểu này: Chính trị, kinh doanh, và chuyển đổi Hội Thánh thành một tổ chức xã hội là những việc xa lạ đối với lời của Đức Chúa Trời. Hội Thánh của Chúa là một thân thể thuộc linh, ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, tìm kiếm sự vâng phục Đức Chúa Trời và để hầu việc loài người, để gìn giữ sự tinh sạch và thánh khiết, để sự cứu rỗi của tất cả thuộc về các thành viên của Hội Thánh, và để quy vinh hiển thuộc về Đấng tạo dựng của Hội Thánh. Đây là Hội Thánh của Chúa, công việc của Hội Thánh và nhiệm vụ của Hội Thánh.

HỘI THÁNH CỦA KINH THÁNH

13 BÀI HỌC ĐƯỢC DẠY TỪ LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI

Tác Giả – J.C. CHOATE

BIÊN DỊCH BỞI HỒNG ÂN & QUÝ HOÀNG

Mục Lục

Ý Nghĩa Của Hội Thánh

Sự Ra Đời Của Hội Thánh

Sự Thành Lập Hội Thánh

Đặc Điểm Nhận Biết Của Hội Thánh

Danh Xưng Của Hội Thánh

Sự Tổ Chức Của Kinh Thánh

Gia Nhập Vào Hội Thánh

Sự Thờ Phượng Của Hội Thánh

Công Việc Của Hội Thánh

Sự Hiệp Một Của Hội Thánh

Tín Điều của Hội Thánh

Lịch Sử Của Hội Thánh

Hội Thánh Ngày Nay

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top