Bài học này nằm trong loạt bài tìm hiểu về Thư Tín Của Sứ Đồ Phierơ. Chúng ta sẽ tìm hiểu sự dạy dỗ trong (1 Phi-e-rơ 1:13-16).
13 Vậy, anh em hãy bền chí như thể thắt lưng, hãy tiết độ, lấy sự trông cậy trọn vẹn đợi chờ ơn sẽ ban cho mình trong khi Đức Chúa Jêsus Christ hiện ra.14 Anh em đã nên như con cái hay vâng lời, thì chớ có làm theo sự dâm dục, là sự cai trị trong anh em ngày trước, về lúc anh em còn mê muội.15 Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn ở mình,16 bởi có chép rằng: Hãy nên thánh, vì ta là thánh. (1 Phi-e-rơ 1:13-16)
Chúng ta gọi Đức Chúa Trời là Cha trong câu 2 vì cớ vâng phục Đấng Christ và dự phần vào sự rải huyết của Ngài và được biệt riêng ra bởi Đức Thánh Linh. Chúng ta sẽ cùng Sứ Đồ Peter tiếp cận những người nhận bức thư của ông theo cách gọi con cái hay vâng lời trong câu 14.
Tác Giả: Hồng Ân
I. TÂM TRÍ CỦA SỰ VÂNG PHỤC
Vậy (do đó, vì lý do này) khi gặp liên từ này chúng ta cần đặt câu hỏi “vậy” dựa trên cái gì? Hay “do đó” là do đâu? Hay “vì lý do này” là lý do gì?. Sứ Đồ Phi-e-rơ xây dựng luận điểm kế tiếp dựa trên những gì đã đề cập từ câu 1-12. Một số ý chính cần ôn lại trước khi đi tiếp.
- Chúng ta là người kiều ngụ được chọn bởi công việc cứu chuộc của BA ĐẤNG – Đức Chúa Cha, Đức Thánh Linh và Đức Chúa Jêsus Christ.
- Đức Chúa Trời khiến chúng ta lại sanh có sự trông cậy sống. Được gìn giữ bởi chính quyền phép Đức Chúa Trời.
- Khi Đức Chúa Jêsus Christ hiện ra, chúng ta sẽ được vinh hiển trong sự cứu rỗi. Hiện nay chúng ta rất vui mừng vì điều đó, dầu cho gặp hoạn nạn thử thách đức tin tạm thời.
- Về sự cứu rỗi này mà Đức Thánh Linh đã bày tỏ cho các Đấng tiên tri thời Cựu Ước. Họ hầu việc chúng ta qua sự rao truyền trước về Đấng Christ. Đức Thánh Linh cũng rao giảng cho chúng ta thông qua các Sứ Đồ và các Đấng Tiên Tri thời Tân Ước. Chính các thiên sứ cũng mong được tỏ tường về sự cứu rỗi này.
Vì lý do này chúng ta trở thành con cái với phẩm chất vâng lời từ chính trong tư tưởng hay tâm trí. Hãy xem ba khía cạnh của tâm trí vâng phục.
A. Tâm Trí Chuẩn Bị Sằn Sàng
Từ “bền chí như thể thắt lưng hay hãy chuẩn bị tâm trí của anh chị em để hành động” theo nghĩa đen chỉ về phong tục ăn bận của thời đó khi họ mặc quần áo tới mắt cá chân hay đầu gối. Để chuẩn bị làm việc gì họ cần xắng quần lên thắt lưng để cho tiện việc hành động. Nói theo thời nay thì “xắng tay áo lên”. Như vậy Sứ Đồ Phi-e-rơ kêu gọi chúng ta phải chuẩn bị tâm trí mình sẳn sàng cho công việc.
Sự vâng lời phải bắt đầu từ tâm trí vì Kinh Thánh chỉ ra rằng việc xấu hay tốt đều khởi nguồn từ đây.
34 Hỡi dòng dõi rắn lục; bay vốn là loài xấu, làm sao nói được sự tốt? Bởi vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra.(o)35 Người lành do nơi đã chứa điều thiện mà phát ra điều thiện; nhưng kẻ dữ do nơi đã chứa điều ác mà phát ra điều ác. (Ma-thi-ơ 12:34-35)
19 Vì từ nơi lòng mà ra những ác tưởng, những tội giết người, tà dâm, dâm dục, trộm cướp, làm chứng dối, và lộng ngôn. (Ma-thi-ơ 15:19)
1. Cần sự đổi mới tâm trí để sẳn sàng.
Qua trình chuẩn bị tâm trí sẳn sàng cho công việc đòi hỏi tâm trí chúng ta cần phải đổi mới như Sứ Đồ Phao-lô đề cập.
2 Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào. (Rô-ma 12:2)
Còn trong mạch văn thì Sứ Đồ Phi-e-rơ đã kêu gọi chúng ta đổi mới tâm trí một cách gián tiếp khi ông tiếp cận chúng ta với những hình ảnh sau.
- Người kiều ngụ trên đất khách.
- Người tái sanh có sự trong cậy sống.
- Người có cơ nghiệp không hư nát hay suy tàn.
- Người chờ đợi sự vinh hiển trong sự thử thách đức tin.
2. Tâm trí của thế gian.
17 … họ theo sự hư không của ý tưởng mình,18 bởi sự ngu muội ở trong họ, và vì lòng họ cứng cỏi nên trí khôn tối tăm, xa cách sự sống của Đức Chúa Trời. (Ê-phê-sô 4:17-18)
3. Tâm trí của môn đồ Đấng Christ.
23 mà phải làm nên mới trong tâm chí mình,24 và mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật. (Ê-phê-sô 4:23-24)
B. Tâm Trí Tiết Độ – Hay Bình Tỉnh, Tỉnh Táo
Theo nghĩa đen từ này đối lập với sự say xỉn. Nhưng theo nghĩa bóng dùng trong Tân Ước chúng ta phải có tâm trí tỉnh táo, tiết độ hay giữ cho tâm trí mình luôn nằm trong tầm kiểm soát, không buông thả như người say. Điều này tương phản với tâm trí của thế gian là trống rỗng và hư không.
Chúng ta phải kiểm soát tâm trí mình. Không để cho tâm trí mình đầu hàng trước thế gian hay tư dục của mình. Sự buông thả trong say xỉn, nghiện (bất cứ thứ gì) và gieo tâm trí mình cho các tà thuật huyền bí. Bởi đó mà các “linh xấu” chiếm dụng tâm trí mình.
C. Sự Định Hướng Của Tâm Trí
“…hãy lấy sự trông cậy…” là sự hướng về điều gì đó với sự dạn dĩ tự tin trong tương lai sẽ đến. Trong mạch văn chúng ta trông mong ơn sẽ được ban cho mình khi Đấng Christ tái lâm.
Sự trông đợi của chúng ta sẽ tồn tại một trong hai nơi và không có nơi thứ ba. Nó không thể tồn tại trung lập được hay cùng một lúc ở hai nơi. Vì cớ nó liên quan đến tấm lòng, tâm trí, sức lực và linh hồn của chúng ta cho những gì chúng ta trông cậy. Trong mạch văn đã cho thấy sự tương phản giữa sự trong cậy sống và chết.
Sự trông mong này nằm trên nền tảng của sự thương xót và ân điển của Đức Chúa Trời mà Ngài đã thể hiện qua Con một của Ngài Đức Chúa Jêsus Christ. Bởi cớ đó mà chúng ta sanh lòng dạn dĩ và tự tin về điều mình đang trông mong.
Ơn sẽ được ban cho chúng ta… Trong câu này chỉ đến ơn trong ngày Đấng Christ tái lâm. Nó sẽ bao gồm sự sống lại và biến hóa của thân thể vinh hiện. Sự vượt qua khỏi sự phán xét của Đức Chúa Trời. Và sự cho vào nhà đời đời của chúng ta trên thiên đàng.
II. KIỂU MẪU CỦA SỰ VÂNG PHỤC
Chúng ta trở nên con cái Đức Chúa Trời bởi sự vâng phục Tin Lành. Điều này tách biệt chúng ta khỏi con cái của sự không vâng phục (Ê-phê-sô 2:2, 5:6). Phi-e-rơ gọi chúng ta là con cái của sự vâng lời. Điều này có nghĩa gì?
A. Bản Chất Của Con Cái Giống Với Cha Mẹ.
Nó mang ý nghĩa khi làm con cái của ai đó chúng ta sẽ mang thuộc tính giống với người đó. Trong Kinh Thánh hay dùng thuật ngữ “con cái của” theo nghĩa hình bóng rằng thành viên gia đình đó chia sẽ bản chất hay thuộc tính chung của nhau. Bản chất này có thể được thay đổi bởi sự lựa chọn của thành viên đó. Một số cách gọi hình bóng có thể tìm thấy là: con cái của sự thạnh nộ (Ê-phê-sô 2:3), sự bội nghịch hay không vâng lời (Ê-phê-sô 2:2), ma quỉ (Giăng 8:44), sự sáng và sự tối (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:5).
B. Bước Theo Kiểu Mẫu
συσχηματίζω suschēmatizō (làm theo). Nặn thành hay nắn theo một khuôn mẫu hay kiểu mẫu. Bước ra từ con cái của sự bội nghịch. Sứ Đồ Phi-e-rơ kêu gọi chúng ta không bước theo hay làm theo khuôn mẫu ngày trước. Vậy chúng ta sẽ bước theo khuôn mẫu nào trong lối sống của mình?
C. Đức Chúa Trời Chính Là Kiểu Mẫu
15 Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn ở mình,16 bởi có chép rằng: Hãy nên thánh, vì ta là thánh. (1 Phi-e-rơ 1:15-16)
Bản chất của Đức Chúa Trời là thánh khiết. Hay Ngài tách biệt hoàn toàn khỏi mọi sự xấu xa gian ác. Chúng ta có mạng lịnh phải bước theo khuôn mẫu thánh của Ngài. Vì chúng ta là con cái của sự vâng lời.
Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta phải trở nên tách biệt hay khác biệt với thế gian. Chúng ta cần phải có sự phân biệt này khỏi người thế gian mà trở nên giống với hay bắt chước bản tính của Đức Chúa Trời. Nên nhớ trong câu 2 rằng chúng ta đã được nên thánh bởi Đức Thánh Linh. Nghĩa là được tách khỏi hay biệt riêng ra khỏi thế gian bởi Thánh Linh.
Trong mạng lịnh này Sứ Đồ Phi-e-rơ so sánh với những sự dốt nát và dâm dục ngày trước. Do đó cho thấy Sứ Đồ đề cập đến giá trị đạo đức (đúng – sai). Vậy chúng ta phải bắt chước bản chất đạo đức của Đức Chúa Trời mà được tìm thấy trong dạy dỗ của Ngài. Không phải bản chất nào của Đức Chúa Trời chúng ta cũng phải bắt chước. Vd sự toàn tri và toàn năng hay sự hằng hữu của Đức Chúa Trời chúng ta không thể trở thành như thế được. Chúng ta phải thể hiện sự khác biệt này trong mọi lối sống hay cách ăn ở của mình.
KẾT LUẬN
Trở nên con cái Đức Chúa Trời thì chúng ta phải có bản chất vâng phục và trở nên giống với bản chất của Đức Chúa Trời. Điều này đòi hỏi xuất phát từ tâm trí của chúng ta, sự đổi mới, sự định hướng và sự sẳn sàng để hành động. Với tâm trí khác biệt với thế gian chúng ta thể hiện qua lối sống khác biệt và thánh như Đức Chúa Trời là thánh.