Bối Cảnh Thư Tín Phi-e-rơ

Chúng ta thường gọi sách Phi-e-rơ thứ nhất và thứ hai. Nhưng đây là thư tín hay bức thư của Sứ Đồ Phi-e-rơ. 1 Hỡi kẻ rất yêu dấu, nầy là thơ thứ hai tôi viết cho anh em. Trong thơ nầy và thơ kia, tôi tìm cách làm cho nhớ lại để giục lòng lành trong anh em, (2 Phi-e-rơ 3:1). Việc tiếp cận một bức thư sẽ khác biệt so với các thể loại văn chương khác như thi ca, tiểu sử… v/v. Bức thư sẽ có mục đích, tác giả và người nhận.

Tác Giả: Hồng Ân

      I.          Tác Giả

Có nhiều tranh luận ngày nay về việc Phi-e-rơ có phải thực sự là tác giả của cả hai bức thư (Goppelt và Achtemeier[1]). Sự tranh luận này là vô ích vì chỉ dựa vào suy đoán. Chúng ta ngày nay không thể khẳng định hay phụ đỉnh tác giả của “sách” dựa trên ý riêng hay sự suy đoán của chúng ta. Chỉ có người nhận và tác giả thời bấy giờ mới có thể xác thực được thông tin trên. Việc trả lời câu hỏi vì sao chúng ta có hai bức thư ngày nay? Sẽ cho câu trả lời về “thực hư” ai là tác giả của sách. Vấn đề hoài nghi về Phi-e-rơ là tác giả là chuyện của thời nay chứ không phải thời bấy giờ. Dầu vậy, chúng ta có bằng chứng từ chính hai bức thư cho thấy được viết cùng một tác giả mà người nhận ai cũng biết là ai và có thể kiểm chứng. Tôi dựa trên việc Hội Thánh gìn giữ hai bức thư này bằng chính mạng sống của họ trong sự bắt bớ và chính nội dung của nó mà thừa nhận Phi-e-rơ là tác giả.

  • Phi-e-rơ nói mình là tác giả. 1 Phi-e-rơ 1:1; 2 Phi-e-rơ 1:1; 3:1.
  • Sin-vanh người chép bức thư cho Sứ Đồ Phi-e-rơ. 1 Phi-e-rơ 5:12.

Dựa trên những sách còn lại của Kinh Thánh, chúng ta sẽ tổng hợp một số thông tin về Phi-e-rơ.

A.    Danh xưng của Phi-e-rơ.

Ông tên là Si-môn (tiếng Do Thái – Luca 6:14), nhưng lại được Đức Chúa Jêsus Christ gọi là Phi-e-rơ (tiếng Hy Lạp) và Sê-pha (tiếng A-ram) nghĩa là đá (Giăng 1:42). Sứ Đồ Phao-lô thường đề cập đến Phi-e-rơ là Sê-pha (Ga-la-ti 1:18; 2:9,11,14; 1 Cô-rinh-tô 1:12; 3:22; 9:5; 15:5)

B.    Ông là người có gia đình.

  • Cha của Phi-e-rơ – Giô-na. Mathiơ 16:17.
  • Mẹ vợ. Mathiơ 8:14-15.
  • Vợ ông. 1 Cô-rinh-tô 9:5.
  • Anh em với Anh-rê. Giăng 1:35-42
    • Ông là môn đồ thứ ba đi theo Đức Chúa Jêsus Christ.

C.    Nghề nghiệp và vai trò của Phi-e-rơ.

  • Ông là người đánh và bạn cùng nghề với Giăng và Gia-cơ (Luca 5:1-10).
  • Ông được Chúa kêu gọi trở thành “tay đánh lưới người” (Mathiơ 4:19).
  • Người chăn bầy (Giăng 21:15-17).
  • Trưởng lão tại Hội Thánh địa phương (1 Phi-e-rơ 5:1).
  • Ông là Sứ Đồ của Đức Chúa Jêsus Christ (Mathiơ 10:2).

   II.          Thời Điểm & Địa Điểm

Vào khoảng năm 64-67 SCN[2]. Điều này dựa trên chủ đề chính của bức thư mà sẽ được đề cập sau. Việc này giúp liên kết với sự trị vì của hoàng đế Rô-ma Nê-rô và cơn bắt bớ khủng khiếp dưới sự trị vì tàn ác của vị Sê-sa này.

Nhiều người cho rằng ông sau khi hoàn thành hai bức thư không lâu sau cũng bị tử vì đạo bằng cách đóng đinh ngược.

Phi-e-rơ cho biết bức thư được viết tại Ba-by-lôn trong 1 Phi-e-rơ 5:13.

 III.          Người Nhận

Bức thư thứ nhất và thứ hai đều tiếp cận cùng một nhóm người nhận giống nhau. Họ là tín đồ Đấng Christ kiều ngụ rải rác trong xứ Bông, Ga-la-ti, Cáp-ba-đốc, A-si và Bi-thi-ni (1 Phi-e-rơ 1:1, 5:16). Với chức vụ của Sứ Đồ Phi-e-rơ được nhắc đến bởi Sứ Đồ Phao-lô trong Ga-la-ti, cho chúng ta thấy ông chuyên lo cho tín đồ là người do thái (Ga-la-ti 2:7-8). Dầu vậy trong hai bức thư của ông được viết cho tín đồ Đấng Christ cả Dân Ngoại và Do Thái. Vậy liệu bức thư này có thể áp dụng cho tín đồ ngày này? Chắc chắn là bức thư này sẽ không “lỗi thời” trước nhất với tín đồ Dân Ngoại hay Do Thái thời bấy giờ và hiện tại vì những lý do sau đây:

A.    Bản chất của người nhận không thay đổi…

…gởi cho những người kiều ngụ rải rác trong xứ Bông, Ga-la-ti, Cáp-ba-đốc, A-si và Bi-thi-ni, là những người được chọn, 2 theo sự biết trước của Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha, và được nên thánh bởi Đức Thánh Linh, đặng vâng phục Đức Chúa Jêsus Christ và có phần trong sự rải huyết Ngài…

Cả dân ngoại và do thái khi trở thành tín đồ đều là người được chọn của Đức Chúa Trời. Mang các đặc điểm:

  • Được chọn theo sự biết trước của Đức Chúa Trời.
  • Được nên thánh bởi Đức Thánh Linh.
  • Có phần trong sự rảy huyết của Đức Chúa Jêsus Christ. Được xóa sạch tội lỗi.
  • Là người đã vâng theo lẽ thật làm sạch lòng mình. 1 Phi-e-rơ 1:22.
  • Người được tái sanh bởi lời Đức Chúa Trời. 1 Phi-e-rơ 1 :23.
  • Đã chịu báp-têm để có một sự liên lạc lương tâm tốt với Đức Chúa Trời. 1 Phi-e-rơ 3:21.
  • 9 Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhân đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài; (1 Phi-e-rơ 2:9)
  • Là chiên của Đức Chúa Jêsus Christ. 1 Phi-e-rơ 2:24.
  • Là người nhà của Đức Chúa Trời – cũng là Hội Thánh. 1 Phi-e-rơ 4:17; 1 Ti-mô-thê 3:15.
  • Không tìm thấy sự gợi ý từ hai bức thư này được đến đối tượng nào khác hơn là tín đồ Đấng Christ.

 IV.          Mục Đích

Sứ Đồ Phi-e-rơ cho biết lý do mà ông viết bức thư. Vì cả hai bức thư đều chia sẽ chung mục đích nên chúng ta sẽ liệt kê trong bài học này.

A.    Lời khuyên và kêu gọi đứng vững trong ơn Đức Chúa Trời.

12 Tôi cậy Sin-vanh, là kẻ tôi coi như một người anh em trung tín, viết mấy chữ nầy đặng khuyên anh em, và làm chứng với anh em rằng ấy là ơn thật của Đức Chúa Trời, anh em phải đứng vững trong đó. (1 Phi-e-rơ 5:12)

Cho sự bắt bớ và thử thách đức tin của môn đồ Đấng Christ. 1:6-7

  • Việc bị bắt bớ không phải là tùy chọn, cũng như trở nên môn đồ Đấng Christ sẽ không giúp mình thoát khỏi. 4:12; 5:9; 2 Ti-mô-thê 3:12.
  • Vì Chúa đã chịu khổ cho mình, mình cũng phải noi dấu chân Ngài. 2:21; 4:1.

Phải hầu việc Đức Chúa Trời vì cớ ơn mà chúng ta đã nhận để cho Đức Chúa Trời được sáng danh. 4:11.

Tín đồ Đấng Christ phải nên thánh trong đời sống của mình. 1:13-17.

Giục lòng lành trong tín đồ Đấng Christ. 2:11-12; 2 Phi-e-rơ 3:1.

B.    Để tỉnh thức tín đồ Đấng Christ.

Trước kẻ thù là Satan, như sư tử rống. 5:8.

Chúng ta chỉ là người ở trọ. 2:11. Ông cũng nhận biết mình ở trong nhà tạm, vì lẽ đó ông sốt sắn răn bảo tỉnh thức anh em. 2 Phi-e-rơ 1:12-15.

Trước sự dẫn dụ của tiên tri giả và giáo sư giả cùng những người ác. 2 Phi-e-rơ 2:1-3; 3:17.

Sự cuối cùng của muôn vật – ngày của Chúa đã gần. 4:7; 2 Phi-e-rơ 3:10-14.

C.    Để ghi nhớ mạng lịnh của Đức Chúa Jêsus Christ.

Ghi nhớ lời của Sứ Đồ. 2 Phi-e-rơ 1:15

Mạng lịnh của Đức Chúa Jêsus Christ. 2 Phi-e-rơ 3:2; Mathiơ 28:19.

KẾT LUẬN

Việc nắm bắt được Tác Giả, Người Nhận, Bối Cảnh và Mục Đích của bức thư sẽ giúp chúng ta bám sát lấy mạch văn cũng như rút trích được bài học thực tế cho mình.

[1] (Black, Allen; Black, Mark C 1998)

[2] (Cottrell 2017)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Dàn Bài
Scroll to Top