Có phải mọi điều mà Kinh Thánh tuyên bố là không sai lầm? Qua việc xem xét những gì mà chúng ta nhìn thấy cho đến giờ trong bài học này, thì câu trả lời phải là “đúng”.
Bài 4 – Tính Chất Không Sai Lầm Của Kinh Thánh
Giăng 10:30-39; 17:14-19; 20:30-31
Một trong những vấn đề cốt yếu và được tranh cãi nhiều nhất mà Hội Thánh ngày nay đang đối diện là bản chất của Kinh Thánh. Trọng tâm của cuộc bàn luận là câu hỏi về tính chất không sai lầm. Có phải mọi điều mà Kinh Thánh tuyên bố là không sai lầm? Qua việc xem xét những gì mà chúng ta nhìn thấy cho đến giờ trong bài học này, thì câu trả lời phải là “đúng”. Đây là quan điểm duy nhất phù hợp với lời dạy của Kinh Thánh và sự cam kết của môn đồ Đấng Christ.
Tính Chất Không Sai Lầm: Lời dạy của Kinh Thánh
Cụm từ không sai lầm có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là “không có sai sót, nhầm lẫn, sự mâu thuẫn, hay sự lừa dối.” Nó có nghĩa là “sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, chính xác, không thể sai được.” Để nói rằng Kinh Thánh là không thể sai lầm được có nghĩa là nó tuyệt đối là sự thật và đáng tin cậy trong mọi điều mà nó khẳng định, nó hoàn toàn không có sai sót.
Tính không thể sai lầm không chỉ là một lý thuyết về Kinh Thánh hay về một khái niệm triết học xa lạ với Kinh Thánh, như một vài nhà phê bình nói. Tín lý về tính không thể sai lầm của Kinh Thánh được ăn sâu một cách chắc chắn vào sự dạy dỗ của chính Kinh Thánh, nơi mà nó được ngụ ý và khẳng định.
Lời tuyên bố rằng Kinh Thánh dạy dỗ không sai lầm còn hơn là một sự suy luận đơn thuần. Nó thật ra là một tam đoạn luận, là một dạng tranh luận mà trong đó kết luận là nhất thiết chính xác nếu như cả hai tiền đề đều đúng, như trong ví dụ cơ bản sau: “Tất cả loài người đều không bất tử (tiền đề chính); Socrates là một con người (tiền đề phụ); vì vậy Socrates cũng không bất tử (kết luận tất yếu).
Trong cuộc tranh luận liên quan đến tính không thể sai lầm, tiền đề chính là “Mọi lời của Đức Chúa Trời là thật (không thể sai lầm).” Điều này có thể được suy ra một các chính xác từ chính bản chất của Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Trời không thể nói dối (Tít 1:2). Nhưng nó cũng được khẳng định một cách đặc biệt. Đức Chúa Jêsus đã nói với Đức Cha rằng, “Lời Cha tức là lẽ thật” (Giăng 17:17). Lời của Ngài được gọi là “lời của lẽ thật” (2 Côrinhtô 6:7; Côlôse 1:5; 2 Timôthê 2:15; Giacơ 1:18).
Tiền đề phụ của sự tranh luận là “Kinh Thánh là lời của Đức Chúa Trời.” Tiền đề này cũng được lập ra bởi cả sự suy luận và sự khẳng định trực tiếp. Nó là sự suy luận hợp lý và cần thiết từ sự thật về sự hà hơi. Tất cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời hà hơi (2 Timôthê 3:16), có nghĩa là chính Đức Chúa Trời là căn nguyên và nguồn gốc của nó. Nó là Lời của Ngài, Lời của Đức Chúa Trời. Dù vậy, để thêm vào sự suy luận này là sự khẳng định trực tiếp. Kinh Thánh được gọi là “Lời của Đức Chúa Trời” trong Mathiơ 15:6 (xem Mác 7:13), Rôma 9:6; và Thi Thiên 119:105. Thậm chí còn mạnh mẽ hơn nữa, Kinh Thánh được gọi là “lời phán của Đức Chúa Trời” (tức là, những lời mà Đức Chúa Trời đã nói) trong Rôma 3:2, nơi mà thuật ngữ chỉ đến toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước, và trong Hêbơrơ 5:12, nơi nó bao gồm cả sự bày tỏ Tân Ước nữa.
Vì cả hai tiền đề chính và phụ đều đúng, nên kết luận theo sau hiển nhiên hợp lý. Mọi lời của Đức Chúa Trời là lẽ thật (không thể sai lầm được); Kinh Thánh là lời của Đức Chúa Trời; vậy Kinh Thánh là không thể sai lầm được. Điều này chỉ có thể bị từ chối bởi việc chối bỏ một hoặc cả hai tiền đề. Thậm chí nếu một người khước từ sự tranh luận vững chắc này, thì vẫn có điểm khác mà phải đối mặt. Đó là Kinh Thánh không thể sai lầm không chỉ là kết luận tất yếu của một tam đoạn luận ấn tượng; mà nó cũng được dạy trực tiếp trong Lời của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Jêsus đặc biệt tuyên bố rằng, “Kinh Thánh không thể bỏ được” (Giăng 10:35). Bất cứ điều gì được viết trong Kinh Thánh đều là lẽ thật tuyệt đối; Kinh Thánh có thẩm quyền không thể phá bỏ được. Câu nói này của Đức Chúa Jêsus là nền tảng vững chắc cho tín lý không thể sai lầm của Kinh Thánh.
Chứng cứ mà Kinh Thánh dạy về tính không thể sai lầm có thể được tổng hợp lại như sau:
A. Tiền đề chính: “Mọi lời của Đức Chúa Trời là lẽ thật (không thể sai lầm được).”
1. Suy luận ra từ bản chất của Đức Chúa Trời
2. Sự khẳng định trực tiếp của Kinh Thánh
B. Tiền đề phụ: “Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời.”
1. Suy luận ra từ sự thật về sự hà hơi
2. Sự khẳng định trực tiếp của Kinh Thánh
C. Kết luận: “Kinh Thánh là lẽ thật (không thể sai lầm được).”
1. Điều tất yếu hợp lý từ A và B
2. Sự khẳng định trực tiếp từ Kinh Thánh
Chúng ta không nên ngạc nhiên về kết luận này, vì chính mục đích của sự hà hơi bảo đảm cho tính chính xác của sự truyền đạt mà Đức Chúa Trời dành cho con người qua những người phát ngôn của Ngài. Đây chính là mục đích và là lý do căn bản của sự hà hơi; đây là lý do tại sao mà Đức Chúa Trời hà hơi các tác giả ngay từ ban đầu.
Tại sao tính không thể sai lầm của Kinh Thánh là một điểm cốt yếu như vậy? Nếu Kinh Thánh không quan trọng gì hơn các sách khác, thì nó sẽ không thành vấn đề. Nhu cầu cho sự chính xác trong bất cứ sách nào đều có liên quan trực tiếp đến sự quan trọng của sách đó. Những tấm thiệp du lịch có thể có các lỗi sai về sự thật, và ít người tin vào nó. Nếu một tấm bản đồ chỉ đường đi là sai, thì nó có thể là một điều bất tiện nhưng không phải là chí tử. Nói cách khác, các sự nhầm lẫn trong các sự liên lạc quân đội và trong các mệnh lệnh quyết định có thể trả giá rất đắt theo phương diện về mạng sống và sự tự do.
Nhưng lời nhắn quan trọng nhất hơn tất cả chính là lời nhắn mà Đức Chúa Trời đang nói với chúng ta qua Kinh Thánh. Nó là một vấn đề về sống và chết, thực ra, là sự sống đời đời và sự chết đời đời. Những điều này “đã chép, để cho các ngươi tin rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ, tức là Con Đức Chúa Trời, và để khi các ngươi tin, thì nhờ danh Ngài mà được sự sống” (Giăng 20:31). Đây là một lời nhắn quan trọng đến nỗi Đức Chúa Trời đã không tin tưởng giao nó cho những trí nhớ và sự hiểu biết có thể sai lầm. Ngài đã giám sát sự truyền đạt của nó để nó đến với chúng ta mà không có sai sót.
Tính Chất không sai lầm: những sự khước từ thời Nay
Mặc cho sự dạy dỗ vững chắc của Kinh Thánh về tính chất không sai lầm, nhưng nó vẫn có rất nhiều kẻ thù, thậm chí là ở giữa những người mà có một đức tin chung vào sự đáng tin cậy của Kinh Thánh. Sách của Harold Linsell, Cuộc chiến cho Kinh Thánh, đã gây sự chú ý đến sự thật này cho phong trào cải chánh bảo thủ nói chung. Thậm chí giữa những người cống hiến vào sự phục hồi của đạo Đấng Christ theo Tân Ước, đang gia tăng số người dường như nghi ngờ hay từ chối rằng Kinh Thánh là không có sai sót.
Như mong đợi, sự từ chối là rõ ràng hơn giữa những nhóm tự do hơn. Ralph Wilburn là một nhà thần học cho hội Các môn đồ của Đấng Christ. Trong cuốn tái thiết thần học, ông nói rằng Hội các môn đồ bây giờ xem Kinh Thánh như là “nhân chứng lịch sử” hơn là một cuốn sách không thể sai lầm được.
Cũng trong các Hội Thánh của Đấng Christ (thường xuyên được xem là rất bảo thủ), thì có những ý kiến chống nghịch lại tính không thể sai lầm này. Một ví dụ là bài viết của Leroy Garrett, “Sự hà hơi của Kinh Thánh” trong Đánh Giá Sự phục hưng vào tháng 10, 1975. Trong khi từ chối bất cứ “sai sót thực tế” hay “các sai sót vật chất,” thì ông Garrett cho phép Kinh Thánh có những sự sai sót.
Nhiều tín đồ Đấng Christ và nhiều Hội Thánh có mặt trong nhóm mà J. D. Murch gọi là “người có quan điểm ôn hòa.” Họ tìm cách tránh cả chủ nghĩa tự do của các môn đồ liên minh với Ralph Wilburn, và các hành động cực đoan của các Hội Thánh liên minh với Leroy Garrett. Ở nhóm này cũng vậy, một vài tác giả xem thường tín lý tính không thể sai lầm, gọi nó là một tín lý không thích hợp hay không quan trọng. Ví dụ, H. E. Johnson viết cho biên tập viên của Tiêu chuẩn môn đồ Đấng Christ rằng thuyết về tính không thể sai lầm không được dạy dỗ trong Kinh Thánh và nên được bỏ đi.
Tính Chất không sai lầm: có giới hạn hay không giới hạn
Nhiều người nghĩ rằng họ tìm thấy được những lỗi sai trong Kinh Thánh, tuy nhiên lại không muốn loại bỏ tính không thể sai lầm hoàn toàn. Họ thích chấp nhận những gì được gọi là “tính không thể sai lầm có giới hạn” hay “tính không thể sai lầm cục bộ”. Daniel Fuller là một người trình bày nổi tiếng về quan điểm này. Ông giải thích nó trong một bài viết “Bản chất của tính không thể sai lầm của Kinh Thánh,” trong Journal of the American Scientific Affiliation (tháng 6, 1972). Ở đây ông nói rằng tính không thể sai lầm chỉ áp dụng trên những điều mà rơi vào chủ đích của các tác giả, đó là “để trình bày về những việc đã xảy ra và ý nghĩa của các việc làm cứu chuộc của Đức Chúa Trời trong lịch sử để loài người có thể được hiểu rõ về sự cứu rỗi” (trang 47). Ông nói rằng, đây là những lẽ thật được bày tỏ, chúng được hà hơi bằng lời nói và không thể sai lầm được.
Tuy nhiên, Fuller nói rằng Kinh Thánh chứa đựng những câu nói ngẫu nhiên về “những vấn đề không được bày tỏ” như là địa chất học, thực vật học và địa lý học. Trong khi Đức Thánh Linh khiến cho các tác giả có thể sử dụng tốt nhất tài liệu như vậy, thì Ngài đã không quan tâm đến tính không thể sai lầm trong lĩnh vực này, theo ý kiến của Fuller.
Dạng giống như vậy của “tính không thể sai lầm cục bộ” này cũng được tán thành bởi nhiều người khác. William Robinson bênh vực khái niệm về “sự không thể sai lầm với sự giới hạn” trong Tín lý Kinh Thánh về Hội Thánh. Leroy Garrett nói rằng ông chấp nhận tính không thể sai lầm “trong những điều mang tính cốt yếu cho mục đích chính của Kinh Thánh.” H. E. Johnson chấp nhận ý tưởng về tính không thể sai lầm có giới hạn, nói rằng “sự không thể sai lầm của Kinh Thánh chỉ dành cho Tin lành của Đức Chúa Jêsus Christ.”
Một vài người cảm thấy không thoải mái với thuật ngữ không thể sai lầm đề nghị chúng ta sử dụng thuật ngữ khác, như là sự đáng tin cậy. Một tác giả nói rằng ông chấp nhận Kinh Thánh như là “chính xác, đáng tin cậy và là sự thật,” nhưng không nghĩ rằng tín lý về tính không thể sai lầm là hữu dụng hay thích hợp. Đây là một sự phân biệt sai lầm giữa các thuật ngữ. Bất cứ thứ gì mà chính xác, đáng tin cậy và là sự thật đều là không thể sai lầm được. Nếu nó sai ở bất cứ điểm nào hay với một mức độ nào đi nữa, thì nó là không chính xác hay không đáng tin cậy. Khi một người nói Kinh Thánh là đáng tin cậy và là sự thật, ngoại trừ những nơi mà có lỗi sai xảy ra, thì người đó thật sự đang xác nhận tính không thể sai lầm mang tính cục bộ hay có giới hạn.
Dù hình thức của nó là gì, tín lý về tính không thể sai lầm mang tính cục bộ là không thể chấp nhận được. Điều này là đúng với ba lý do.
Thứ nhất, tuyệt đối không có cơ sở Kinh Thánh nào cho một sự phân biệt giữa những gì được hà hơi và không thể sai lầm với những gì không được hà hơi và có khả năng bị sai sót. Đó là thích hợp để phân biệt giữa những gì được bày tỏ và những gì không được bày tỏ. Trong mục sau cùng là dữ liệu lịch sử không được khám phá qua sự nghiên cứu hay được biết bởi sự trải nghiệm cá nhân. Nhưng nó là sai khi nói rằng các vấn đề không được bày tỏ như vậy là không được hà hơi và vì vậy có thể có sai sót. Đức Chúa Jêsus đặc biệt hứa rằng Đức Thánh Linh sẽ chỉ dẫn tâm trí của các Sứ Đồ (Giăng 14:26). Khi họ viết, các Sứ Đồ được hà hơi để gợi nhớ lại và ghi chép chính xác những gì mà Đức Chúa Trời muốn họ ghi chép lại.
Phạm vi của tính không thể sai lầm của Kinh Thánh là bình đẳng với phạm vi của sự hà hơi. (Xem chương 3). Mặc dù nó chỉ liên quan đến đoạn trích của các bản viết tay hay là các văn bản gốc, nó đều chỉ đến mọi phần của chúng, lịch sử cũng như là đạo lý, lời nói cũng như là ý tưởng. Khi Đức Chúa Jêsus nói chúng ta nên tin “tất cả những gì mà các đấng tiên tri đã nói” (Luca 24:25), và khi Phaolô nói rằng ông tin vào “mọi điều” trong luật pháp và các đấng tiên tri (Công vụ 24:14), không có trường hợp ngoại lệ nào cả.
Thứ hai, nếu chúng ta nghĩ rằng Kinh Thánh không đúng hoàn toàn, thì chúng ta có thể chưa bao giờ chắc chắn về những điểm nào là sự thật và những điểm nào là sai. Sự phân biệt độc đoán giữa các vấn đề được bày tỏ hay không được bày tỏ đặc biệt làm cho bối rối. Ý tưởng rằng các vấn đề không được bày tỏ bao gồm những điều mà chúng ta có thể phân tích và kiểm tra qua việc nghiên cứu lịch sử hay khoa học; những điều này có thể chứng minh là đúng hoặc sai. Nhưng các vấn đề được bày tỏ, những điều mà chính bản chất của chúng không thể bị kiểm tra, và được cho là không thể sai lầm được!
Đây là một thủ tục rất là rối loạn. Nếu một tác phẩm được chứng minh chứa đựng những lỗi sai trong những phạm vi mà có thể được kiểm tra, thì tại sao chúng ta nên cho rằng phần còn lại của nó không có sai sót? Thực tế thì khuynh hướng sẽ là ngược lại.
Lý do cuối cùng mà tính không thể sai lầm mang tính cục bộ là không thể chấp nhận được là nó không khả thi để bênh vực. Những người giới hạn tính không thể sai lầm thường cho phép nó trong vấn đề về “đức tin và thực hành” hay các phần thuộc đạo lý và thuộc sự bày tỏ của Kinh Thánh. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng tính không thể sai lầm chính nó là một tín lý của Kinh Thánh: Kinh Thánh dạy về tính không thể sai lầm của chính nó. Nếu như lỗi sai được tìm thấy trong bất cứ phần nào của Kinh Thánh, vậy thì sự dạy dỗ này là sai lầm lớn nhất trong tất cả – và về phạm vị đạo lý, thì nó chính là phần mà được cho là không có lỗi sai nào! Nếu như chúng ta không thể tin tín lý của Kinh Thánh, thì làm sao chúng ta có thể tin vào bất cứ tín lý nào của nó?
Các sự lựa chọn dường như là hoàn toàn không thể sai lầm hoặc không có tính không thể sai lầm. Kinh Thánh là không thể sai lầm trong mọi điều mà nó khẳng định, hoặc không có sự bảo đảm nào cho tính không thể sai lầm trong bất cứ điều gì mà nó nói. Một luận điểm duy nhất phù hợp với lời dạy của Kinh Thánh đó là Kinh Thánh hoàn toàn không có lỗi sai nào.